Việt Nam tiến hành thử nghiệm thuốc điều trị nCoV
Kinh tế - Ngày đăng : 09:45, 12/02/2020
(BKTO) - Chiều 10/2, Bộ trưởng Bộ KH- CN Chu Ngọc Anh đã ký quyết định giao trực tiếp cho Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư chủ trì, phối hợp với Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM, Viện Pasteur TP. HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Trung tâm Cảnh giác dược và một số đơn vị khác thực hiện đề tài độc lập cấp nhà nước "Đánh giá hiệu quả và tính an toàn của việc bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus Corona mới".
Lopinavir/ritonavir được biết đến là một loại công thức phối hợp liều cố định để điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS.
2019-nCoV được phân lập và giải mã - Ảnh: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương |
Các nhà khoa học trong nhóm nghiên cứu sẽ thử nghiệm trong 4 tuần hoặc trên 10 người bệnh. Từ đó sẽ báo cáo đánh giá hiệu quả đáp ứng lâm sàng, cận lâm sàng, virus học, tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm nCoV được điều trị theo phác đồ nền của Bộ Y tế.
Mục tiêu của nghiên cứu, trong vòng 12 tháng sẽ làm rõ hiệu quả và tính an toàn của việc sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus Corona chủng mới dựa trên phác đồ điều trị của Bộ Y tế, đồng thời đề xuất phác đồ sử dụng bổ sung lopinavir/ritonavir phối hợp trong điều trị người bệnh nhiễm virus Corona. Đây là hai loại thuốc từng được sử dụng trong điều trị và phòng ngừa nhiễm HIV/AIDS.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ký Quyết định phê duyệt danh mục 3 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đột xuất phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona, giao trực tiếp cho 3 tổ chức chủ trì, khẩn trương triển khai thực hiện. Trong vòng 1 tháng nữa có thể có 3 loại bộ KIT để chủ động chẩn đoán, phân loại bệnh nCoV-2019, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo đó, 3 đề tài nghiên cứu bao gồm: Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và realtime RT-PCR phát hiện chủng mới của virus corona 2019 (nCoV-2019) giao cho Học viện Quân y chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần công nghệ Việt Á thực hiện.
Nghiên cứu chế tạo hệ thống phát hiện nhanh để sàng lọc chủng mới của vi rút Corona 2019 (nCoV-2019) giao cho Công ty TNHH một thành viên sinh hóa Phù Sa- Biochem chủ trì phối hợp với Viện Pasteur TP. HCM và Trung tâm ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ- Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ thực hiện.
Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, lâm sàng, virus bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona 2019 (nCoV-2019) tại Việt Nam giao cho Viện Pasteur TP.HCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện. Nghiên cứu đặt mục tiêu xây dựng được mô hình dự báo tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới gây ra ở từng miền Nam, Bắc. Trên cơ sở đó đề xuất giải pháp dự phòng đồng thời xây dựng phác đồ điều trị bệnh này.
Trong vòng 1 tháng tới, có thể có 3 loại bộ kit để chủ động chẩn đoán, phân loại bệnh nCoV-2019, góp phần quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh tại Việt Nam.
Dịch viêm phổi khởi phát tại Vũ Hán vào cuối tháng 12/2019, sau đó lan ra 31 tỉnh thành Trung Quốc và 26 quốc gia, vùng lãnh thổ. Số người tử vong vì nCoV vượt xa mức 813 ca tử vong vì đại dịch SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng) năm 2002-2003, theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Tại Việt Nam, tính đến 11/2, đã ghi nhận 15 trường hợp nhiễm virus corona. Đã chữa khỏi 6 ca, trong đó có 3 ca ở Vĩnh Phúc, 1 ca tại Bệnh viện Chợ Rẫy, 1 ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh hóa và 1 ca tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.
GS.TS Nguyễn Văn Kính- nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho hay bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh nhân hiện mới chỉ được điều trị triệu chứng và nâng cao thể trạng.
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, hiện Việt Nam hoàn toàn chữa được bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona.
AN CHI (Tổng hợp)