Không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện

Kinh tế - Ngày đăng : 10:25, 17/02/2020

(BKTO) - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Y tế ngành về việc chấn chỉnh công tác quản lý người bệnh nghi ngờ và người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: chinhphu.vn

   
Công văn nêu rõ, để quản lý chặt chẽ các trường hợp bệnh trên tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế, Y tế ngành nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh theo 3 nhóm trường hợp bệnh trên (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định), thu dung cách ly và quản lý chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế được phân công theo đúng quy định của các địa phương trên cơ sở hướng dẫn tại công văn số 519/BYT-KCB ngày 6/2/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tổ chức tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị và quản lý người bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV.

Các cơ sở khám chữa bệnh nghiêm túc quản lý tất cả các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, có thể, xác định). Cơ sở y tế cần kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh. Tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế.

Các cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án, chăm sóc, điều trị toàn diện cho các người bệnh thuộc cả 3 nhóm trường hợp bệnh (bệnh nghi ngờ, có thể, xác định), đặc biệt theo dõi sát diễn biến bệnh lý của người bệnh và xử lý mẫu bệnh phẩm theo đúng quy định. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ các mẫu bệnh phẩm của người bệnh, không để mất, phát tán hoặc để người không thuộc trách nhiệm tiếp cận với mẫu bệnh phẩm của 3 nhóm trường hợp bệnh nói trên.

Trong trường hợp chuyển tuyến, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải bố trí phương tiện, nhân viên y tế hoặc xin hỗ trợ cấp cứu của bệnh viện tuyến trên bảo đảm an ninh, an toàn cho người bệnh; thực hiện theo đúng quy định về bàn giao người bệnh cho bệnh viện nhận chuyển tuyến.

Trước đó, để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo thực hiện tổng thể các biện pháp, trong đó biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày được coi là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch của 31/31 địa phương của Trung Quốc, đặc biệt với những trường hợp về từ Trung Quốc.

Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày.

Hiện nay, Việt Nam đã áp dụng cách ly y tế 14 ngày nghiêm ngặt để phòng bệnh COVID-19. Tất cả những người đi từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc dù chưa có biểu hiện nhiễm bệnh đều được coi là bệnh nhân, những người này cùng với người nhà của họ đều phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung. Người đi từ 31/31 vùng của Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) phải cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú, đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, không cho ra khỏi nhà và nơi lưu trú để tránh lây lan ra cộng đồng.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 7/2/2020 Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung và Quyết định số 345/QĐ-BYT ngày 7/2/2020 hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú hướng dẫn chi tiết về đối tượng cách ly, thời gian cách ly, việc thực hiện cách ly.

Cùng với đó, để thực hiện nghiêm việc cách ly người nghi nhiễm COVID-19, tránh việc tự ý rời khỏi nơi cách ly trái quy định về phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tăng cường kiểm soát đối với đối tượng cách ly bảo đảm theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các địa phương kiên quyết rút Giấy phép lao động của công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc diện cách ly mà không thực hiện cách ly hoặc tự ý rời khỏi nơi cách ly. Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh việc đưa tin lên án những trường hợp không chấp hành các giải pháp của Thủ tướng đã chỉ đạo, nhất là tự ý rời khỏi nơi cách ly.

Trong diễn biến liên quan đến dịch bệnh COVID-19, ngày 15/2, tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận 173 công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước, trong đó có 113 nam và 60 nữ. Các công dân sau tiếp nhận được tiếp đón, bố trí ăn, nghỉ tại khu cách ly ở thành phố Bắc Kạn để phòng ngừa lây lan dịch Covid-19.

Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ tiến hành đo thân nhiệt, cấp phát chăn, màn, nhu yếu phẩm như: bàn chải răng, xà phòng… cho công dân. Hiện tất cả các công dân này sức khỏe không có gì bất thường.

Tỉnh Bắc Kạn đã chuẩn bị hai khu cách ly quy mô tiếp nhận khoảng 450 người và bố trí khu cách ly dự bị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ngành chức năng đã phun thuốc khử trùng các khu vực cách ly; cử hai tổ y tế và hai tổ vận chuyển túc trực; bảo đảm đủ vật tư, hóa chất…

Trước đó, tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Kạn có 5 người đã được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà do tiếp xúc với người đến từ điểm nóng dịch COVID-19 xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc.
         
Cập nhật lúc 8h30 ngày 17/2:
   Thế giới:71.330người mắc,1.775người tử vong, trong đó:
   - Lục địa Trung Quốc:1.770người tử vong;Phillippines:01người tử vong.
   - Hồng Kông (Trung Quốc):01người tử vong.
   - Nhật Bản:01người tử vong.
   - Pháp:01người tử vong.
   - Đài Loan (Trung Quốc):01người tử vong.
                
   

Thông tin cập nhật lúc 8h30 ngày 17/2 - Nguồn: chinhphu.vn

   
                
   

Nguồn: chinhphu.vn

   
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)