Kinh nghiệm thực hiện thành công các cuộc kiểm toán chuyên đề
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:15, 17/02/2020
(BKTO) - Năm 2019, KTNN chuyên ngành III được giao chủ trì 2 cuộc kiểm toán chuyên đề (KTCĐ), gồm: KTCĐ việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập và KTCĐ việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập. Theo Kiểm toán trưởng Lê Đình Thăng, chủ đề 2 cuộc kiểm toán tuy không quá mới song mang tính thời sự cao. Việc kiểm toán nhằm cung cấp những thông tin cần thiết cho Quốc hội, Chính phủ hoạch định, ban hành các chính sách thiết thực, hữu hiệu về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
KTVNN kiểm toán tại Đại học Xây dựng. Ảnh: Lộc Văn
Huy động sức mạnh tập thểtrong kiểm toán chuyên đề
Năm 2018, lãnh đạo KTNN chuyên ngành III đã yêu cầu tất cả các phòng trực thuộc nghiên cứu, đề xuất phương án kiểm toán năm 2019. Trên cơ sở đề xuất của các phòng, đồng thời xem xét tính cấp thiết của từng chủ đề kiểm toán, KTNN chuyên ngành III đã quyết định lựa chọn 2 chủ đề: cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập và cơ chế tự chủ tại các bệnh viện công lập để trình Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét, phê duyệt.
Ngay sau khi Kế hoạch kiểm toán năm được Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành, KTNN chuyên ngành III đã thành lập các tổ soạn thảo để xây dựng Dự thảo Đề cương kiểm toán. Thành viên nòng cốt của 2 tổ soạn thảo Đề cương là KTNN chuyên ngành III cùng với sự phối hợp của KTNN chuyên ngành II, Vụ Tổng hợp, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, bao gồm các kiểm toán viên (KTV) có kinh nghiệm, có hiểu biết sâu rộng về cơ chế tự chủ trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Khi Dự thảo Đề cương kiểm toán hoàn thành, KTNN chuyên ngành III đã tổ chức nhiều cuộc họp lấy ý kiến rộng rãi của toàn thể công chức KTV, đội ngũ cán bộ chủ chốt và tập thể lãnh đạo, từ đó tiếp tục hoàn thiện cũng như gửi lấy ý kiến tham gia của các đơn vị trong toàn Ngành.
Để đánh giá thực trạng cơ chế tự chủ đối với các trường đại học và các bệnh viện công lập, từ đó tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán và có những đề xuất góp phần hoàn thiện chính sách tự chủ, dưới sự chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, KTNN chuyên ngành III đã chủ trì phối hợp với Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức 2 hội thảo về thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập và các bệnh viện công lập, xem xét các vấn đề đặt ra đối với KTNN. Sau Hội thảo, các tổ soạn thảo đã kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Đề cương kiểm toán trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt, làm căn cứ thực hiện.
Tiếp đó, lãnh đạo KTNN chuyên ngành III đã kịp thời hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ các kiến thức, kinh nghiệm và thống nhất về cách thức triển khai cuộc KTCĐ. Đồng thời phối hợp với Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán tổ chức các buổi tập huấn trong toàn Ngành về những nội dung chính cần chú trọng trong quá trình thực hiện kiểm toán. Cùng với đó, KTNN chuyên ngành III cũng tổ chức tập huấn 2 đề cương kiểm toán đến từng KTV.
Để cân đối thời gian thực hiện kiểm toán và tổng hợp kết quả kiểm toán, KTNN chuyên ngành III đã bố trí các KTV có kinh nghiệm, kỹ năng và am hiểu chuyên môn tham gia kiểm toán. Trong suốt quá trình kiểm toán, các đoàn kiểm toán thường xuyên tổ chức họp các tổ trưởng để trao đổi và thống nhất cách thức thực hiện, cũng như lan tỏa các phát hiện kiểm toán giữa các tổ kiểm toán, tổng hợp tình hình để kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo. Việc thực hiện KTCĐ tự chủ trong lĩnh vực giáo dục và y tế còn có sự tham gia tích cực của các KTNN chuyên ngành, khu vực.
TS. Lê Đình Thăng đánh giá, công tác tổ chức kiểm toán đã diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo tuân thủ quy trình kiểm toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của KTV nhà nước, tuân thủ đề cương kiểm toán được phê duyệt và các hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn. Qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện nhiều bất cập nổi bật.
Đúc rút nhiều bài họckinh nghiệm quý
Qua kiểm toán 2 chuyên đề này, KTNN nói chung và KTNN chuyên ngành III nói riêng đã đúc rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Thứ nhất, việc lựa chọn chủ đề kiểm toán đã bám sát các yêu cầu của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các vấn đề, nội dung xã hội, dư luận quan tâm. Từ đó, kết quả kiểm toán đã thu hút được dư luận xã hội, tạo hiệu ứng tốt, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của KTNN.
Thứ hai, các đoàn kiểm toán nhận được sự theo dõi, chỉ đạo sát sao và kịp thời của lãnh đạo KTNN và lãnh đạo KTNN chuyên ngành III. Lãnh đạo các đoàn kiểm toán luôn bám sát, kiểm soát hoạt động kiểm toán, trao đổi, chia sẻ thông tin, có chỉ đạo kịp thời để thực hiện theo đúng Đề cương, mẫu biểu, nội dung, mục tiêu đề ra, giải quyết các vướng mắc đặt ra theo định kỳ báo cáo.
Thứ ba, KTNN chuyên ngành III đã cử các KTV có đủ trình độ, năng lực và kinh nghiệm tham gia từ khâu khảo sát thu thập thông tin, xây dựng đề cương kiểm toán, lập KHKT, thực hiện kiểm toán và tổng hợp kết quả kiểm toán toàn Ngành, đồng thời, bố trí chuyên gia, thời gian để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho các KTV trước khi triển khai kiểm toán. Kết thúc đợt kiểm toán, các đoàn kiểm toán tổ chức họp rút kinh nghiệm trong công tác thực hiện kiểm toán.
Thứ tư, quá trình xây dựng đề cương và tổ chức thực hiện có sự phối hợp, tham gia của các đơn vị trong Ngành. Khâu khảo sát, thu thập thông tin thực hiện tốt, góp phần đảm bảo chất lượng đề cương kiểm toán về mục tiêu, nội dung, tiêu chí kiểm toán. Tạo sự thống nhất, đồng thuận từ công tác tổ chức, điều hành đến các kết luận, kiến nghị kiểm toán giữa các đơn vị thực hiện kiểm toán.
Thứ năm, dưới sự chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về cuộc kiểm toán được KTNN chuyên ngành III thực hiện bài bản, quy mô. Thông tin về chủ đề kiểm toán nhận được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, các đơn vị được kiểm toán. Hàng trăm lượt phóng viên đến từ các cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng ký tham dự vào đưa tin bài và được đông đảo quần chúng nhân dân tích cực đón nhận. Đặc biệt, năm 2019, chủ đề việc thực hiện cơ chế tự chủ tại các trường đại học công lập và các bệnh viện công lập cũng được nhiều cơ quan của Quốc hội, Chính phủ đưa vào chương trình hội thảo, trong đó mời KTNN tham gia thảo luận.
Theo TS. Lê Đình Thăng, để nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán trong thời gian tới, đặc biệt là đối với các cuộc KTCĐ quy mô lớn, các KTNN chuyên ngành và khu vực cần phát huy tính chủ động và tích cực hơn nữa trong việc dành thời gian nghiên cứu và tham gia góp ý ngay trong quá trình xây dựng đề cương kiểm toán. Đồng thời, trong quá trình kiểm toán cần tăng cường trao đổi thông tin giữa đơn vị chủ trì và các đơn vị phối hợp để đảm bảo thực hiện đầy đủ các mục tiêu, nội dung của đề cương kiểm toán do Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt. Kết thúc cuộc kiểm toán cần chủ động họp để rút kinh nghiệm những ưu điểm và hạn chế cần khắc phục, từ đó đảm bảo chất lượng kiểm toán do KTNN thực hiện.
L.HÒA - H.THOAN