Quyết liệt cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành

Kinh tế - Ngày đăng : 08:10, 18/02/2020

(BKTO) - 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa hiện vẫn còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành (KTCN); một số Bộ, ngành thiếu quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ để cải cách toàn diện hoạt động này. Trước thực trạng đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành sớm sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và DN.



Thời gian qua, các Bộ, ngành đã tích cực thực hiện điện tử hóa thủ tục KTCN. Ảnh: baochinhphu.vn

25 nhóm sản phẩm,hàng hóa còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành

Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo 1899) cho biết: Thời gian qua, các Bộ, ngành đã tích cực thực hiện điện tử hóa thủ tục KTCN. Một số Bộ đã ủy quyền hoặc chỉ định nhiều cơ quan, tổ chức thực hiện công tác KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, như: Bộ Công Thương đã chỉ định 13 cơ quan/tổ chức; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định 20 đơn vị; Bộ Y tế chỉ định 12 cơ quan, tổ chức kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu…

Tuy nhiên, hiện nay, 25 nhóm sản phẩm, hàng hóa (tương đương với 1.012 dòng hàng tính theo mã số HS ở cấp độ 8 chữ số và tương ứng với 1.501 mặt hàng được chi tiết theo tên hàng cụ thể) còn chồng chéo trong KTCN; cùng lúc phải thực hiện nhiều thủ tục, hình thức trong quản lý/KTCN. Bộ Tài chính đã đề xuất giải pháp để tháo gỡ tình trạng trên, đồng thời, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo ASW, NSW và KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.

Cũng theo Ủy ban Chỉ đạo 1899, một số Bộ, ngành còn thiếu quyết liệt và khẩn trương trong triển khai các nhiệm vụ để cải cách toàn diện hoạt động KTCN; thiếu sự trao đổi và chia sẻ thông tin giữa cơ quan KTCN và cơ quan hải quan dẫn đến khó khăn khi thực hiện; chưa áp dụng thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu, nhập khẩu hoặc đã áp dụng nhưng chưa hiệu quả. Nhiều Bộ, ngành chậm ban hành các thông tư hướng dẫn hoặc ban hành thông tư không đúng chỉ đạo của Chính phủ...

Tháo gỡ những bất cập,đổi mới công tác kiểm tra chuyên ngành

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 yêu cầu tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, KTCN, hoàn thành việc rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng KTCN.

Đồng thời, Chính phủ yêu cầu đến hết năm 2020, các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện đầy đủ các cải cách về quản lý, KTCN, gồm: áp dụng quản lý rủi ro dựa trên cơ sở đánh giá, phân tích về mức độ tuân thủ của DN và mức độ, quy mô rủi ro của hàng hoá; chuyển mạnh từ chủ yếu thực hiện kiểm tra tại giai đoạn thông quan hàng hoá sang chủ yếu giám sát tại thị trường nội địa; công bố công khai danh mục mặt hàng KTCN với mã số HS ở cấp độ chi tiết, cách thức quản lý chuyên ngành về xuất khẩu, nhập khẩu tương ứng và chi phí mà DN phải trả...

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan. Trong đó, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án Cải cách KTCN theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch…), Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm; trình Chính phủ trong quý I/2020. Bộ này còn có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất giải pháp giải quyết ngay các vướng mắc kéo dài trong việc áp dụng thuế cho nguyên liệu, vật tư dư thừa từ quá trình sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu; chủ trì theo dõi tình hình, đánh giá kết quả thực hiện cải cách về quản lý, KTCN; đánh giá mức độ thay đổi và tác động đối với DN xuất nhập khẩu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/12/2020.

Nhằm đổi mới công tác KTCN, cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo 1899 (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính) đang khẩn trương xây dựng Đề án “Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại Việt Nam”. Việc triển khai Đề án sẽ giúp cắt giảm thủ tục hành chính và danh mục phải kiểm tra chất lượng (chỉ hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao cho con người, an toàn an ninh quốc gia mới được đưa vào danh mục kiểm tra). Công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện trên cơ sở áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro (chỉ kiểm tra xác suất, kiểm tra theo tỷ lệ thay vì kiểm tra theo từng lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu như hiện nay); áp dụng thừa nhận công nhận lẫn nhau; áp dụng truy xuất nguồn gốc để giảm tỷ lệ kiểm tra tại cửa khẩu, đảm bảo kiểm soát chất lượng hàng hóa ngay từ khi sản xuất tại nguồn… Sự đổi mới này nhằm đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, song vẫn đảm bảo kiểm soát chất lượng hàng hóa; giảm chi phí, nguồn lực cho DN và xã hội.

Cùng với đó, cơ quan thường trực Ủy ban Chỉ đạo 1899 sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh; đơn giản hóa hồ sơ, chứng từ cần phải nộp/xuất trình; xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử…

Tại Phiên họp mới đây của Ủy ban Chỉ đạo 1899, lãnh đạo Chính phủ cũng đã đề nghị các Bộ, ngành sớm đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi các quy định có liên quan để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân và DN.

MINH ANH