Gỡ vướng cho thị trường bất động sản
Kinh tế - Ngày đăng : 16:35, 18/02/2020
(BKTO)- Hàng loạt các tín hiệu xấu với thị trường bất động sản (BĐS) năm 2020 khi ngay từ đầu năm như: khan hàng, siết tín dụng, nay thêm đại dịch Covid-19 khiến nhiều phân khúc “đóng băng”.
Trong năm 2019, thị trường BĐS cả nước chỉ đạt khoảng 83.136 giao dịch - Nguồn: internet. |
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng số giao dịch nhà đất thành công hết năm 2019 là 83.136 giao dịch, giảm 26,1% so với năm 2018. Trong đó, BĐS du lịch nghỉ dưỡng chỉ có 6.280 giao dịch, giảm 20% so với năm 2018. Bước sangnăm 2020,thị trường BĐS và các doanh nghiệp BĐS tiếp tục phải đương đầu với tình trạng sụt giảm nguồn cung các dự án, môi trường kinh doanh chưa thực sự đảm bảo minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh… .
Theo nhiều chuyên gia, hầu hết các doanh nghiệp BĐS năm 2019 đều bị sụt giảm mạnh về doanh thu và lợi nhuận, thậm chí một số doanh nghiệp bị thua lỗ hoặc đứng trước nguy cơ bị phá sản.Cùng với đó, “bão” COVID-19 bất ngờ bùng phát đã khiến phương án kinh doanh của nhiều doanh nghiệp phải thay đổi.
Đánh giá về những khó khăn trong năm 2020, ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, năm 2020 thị trường BĐS Việt Nam sẽ phải đối diện nhiều thách thức.
Một là, hệ thống các văn bản pháp lý liên quan đến thị trường BĐS vẫn chưa đồng bộ. Hành lang pháp lý điều chỉnh thị trường BĐS, từ công tác đầu tư xây dựng, giao dịch đến quản lý sử dụng BĐS chậm được hoàn thiện, còn chồng chéo; nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn, bất cập của cơ chế chính sách nhưng chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời dẫn đến thị trường BĐS chưa được quản lý và kiểm soát một cách hiệu quả…
Hai là, những khó khăn về thủ tục hành chính và sức ép lớn từ chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn việc cấp phép dự án mới. Việc các cơ quan chức năng chậm phê duyệt cấp phép xây dựng dự án hay tạm dừng dự án đang triển khai để rà soát, kiểm tra… là nguyên nhân dẫn đến giảm nguồn cung, kéo theo lượng giao dịch BĐS giảm.
Ba là, doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Hoạt động tín dụng của ngân hàng đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản đang bị thắt chặt.
Bốn là, tình trạng mua bán, chuyển nhượng nhà, đất khi chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện, cơ sở pháp lý gây rủi ro cho thị trường.
Năm là, thiếu hụt hệ thống thông tin về thị trường BĐS và những lo ngại về tính minh bạch của thị trường.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cũng nhận định: Trong 6 tháng đầu năm 2020, các doanh nghiệp BĐS có thể vẫn còn phải tiếp tục đương đầu với các khó khăn, thách thức khi các cơ quan quản lý tiếp tục rà soát các dự án BĐS và nguồn tiền vào thị trường được kiểm soát chặt hơn.
Tìm hướng gỡ khó cho thị trường
Trong bối cảnh thị trường BĐS “ảm đạm”, nhiều doanh nghiệp BĐS và các chuyên gia đã đưa ra những giải pháp, kiến nghị nhằmtháo gỡ vướng mắc khó khăn cho thị trường.
Bà Hương Trần Kiều Dung - Tổng Giám đốc FLC cho rằng: Những khó khăn hiện nay liên quan đến 3 vấn đề lớn là pháp lý, nguồn vốn, thủ tục hành chính. Về nguồn vốn, theo bà Dung gói tín dụng 30 nghìn tỷ hỗ trợ thị trường BĐS đã kết thúc từ năm 2016, hiện nay thị trường BĐS đang trong giai đoạn khó khăn mong chờ những nguồn vốn hỗ trợ mới, gói tín dụng mới để giúp thị trường bình ổn.
Về pháp lý, đại diện FLC cho rằng có sự chồng chéo, thiếu đồng bộ liên quan đến 4 luật khác, ảnh hưởng rất nhiều đến các dự án bất động sản, nếu khơi thông được luật thì sẽ khơi thông được dự án bất động sản. Trong 2 năm trở lại đây, các địa phương rất ngại vấn đề về phê duyệt dự án. Theo đó, các tỉnh giao đất cho doanh nghiệp không nhiều, nếu tình trạng này không được khắc phục thì năm sau số dự án được phê duyệt xây dựng sẽ rất ít, làm giảm cơ hội đầu tư kinh tế địa phương… Bên cạnh đó còn những vấn đề mâu thuẫn giữa đấu thầu với đấu giá cũng khiến doanh nghiệp gặp không ít trở ngại.
"Có thể nói, làm hết thủ tục bài bản để xây dựng dự án, ít nhất doanh nghiệp phải mất 2 năm, điều đó gây khó khăn và bỏ lỡ các cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp" - bà Dung khẳng định.
Trước những khó khăn trên, Hiệp hội BĐS Việt Nam cũng đã đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hệ thống pháp luật về: Đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh BĐS, dân sự… để đảm bảo tính hệ thống, đồng bộ và liên thông trước khi Luật Đất đai sửa đổi được ban hành vào năm 2021; đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sớm tháo gỡ các vướng mắc, “điểm nghẽn” của thị trường BĐS, để thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia các Nghị định 91/CP của Chính phủ quy định các mức xử phạt trong sai phạm đất đai, Nghị định 96/CP của Chính phủ ban hành khung giá đất có hiệu lực trong vòng 5 năm tới, Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước hạn chế tín dụng vào BĐS, Thông tư 06 của Bộ Xây dựng quy định về sử dụng, quản lý nhà chung cư... Đây đều là những văn bản pháp lý có hiệu lực từ năm nay 2020, được dự báo sẽ có những tác động tích cực tới thị trường BĐS, nhất là tại Hà Nội và TP. HCM trong việc quyết liệt xử lý các sai phạm về kinh doanh BĐS. Đặc biệt, bảng giá đất mới được ban hành tại các địa phương giữ nguyên, giúp thị trường 5 năm tới ổn định hơn, giảm bớt các nguy cơ về sốt đất…
NAM SƠN (Tổng hợp)