Để “phạt nguội” không bị “lạnh”

Đối nội - Ngày đăng : 16:49, 20/02/2020

(BKTO) - Những năm gần đây, TP. HCM đẩy mạnh việc lắp đặt mạng lưới camera giám sát trên toàn thành phố. Tuy nhiên, để hệ thống camera thực sự là “mắt thần”, trở thành công cụ đắc lực phát hiện kịp thời và xử lý các vấn đề trong sự phát triển chung của thành phố cần có các quy định xử phạt bằng hình ảnh đối với các vi phạm về giao thông làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng quy chế, quy trình phạt nguội với các vi phạm lĩnh vực khác.


                
   

Phát huy hiệu quả thực sự của hệ thống camera giám sát

   

10.000 camera sẽ được lắp đặt

Hiện Quận 1 TP. HCM đã triển khai thí điểm Trung tâm điều hành đô thị thông minh tích hợp cùng hệ thống camera an ninh thông minh đặt tại trụ sở UBND quận. Theo đó, đã hoàn thành việc tích hợp camera tại địa bàn dân cư và trụ sở công an 10 phường kết nối về Trung tâm điều hành đô thị thông minh với 1.115 mắt camera và 128 đầu thu.

TP. HCM đã triển khai khảo sát, lắp đặt, vận hành hệ thống camera từ lâu, với nhiều lợi ích thiết thực, phục vụ sự phát triển của đô thị như theo dõi, giám sát, điều hành, phát hiện và xử lý kịp thời những vấn đề liên quan đến mạng lưới giao thông. Giám đốc Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn Đoàn Văn Tấn cho biết, từ khi hệ thống camera được chú trọng đầu tư, các cơ quan hữu quan đã thuận tiện hơn trong việc đưa ra những cảnh báo, kết nối nhanh chóng, phối hợp giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời.

Không chỉ là hiệu quả điều hành, quản lý mạng lưới giao thông, hệ thống camera còn được mở rộng khai thác các tiện ích khác như góp phần khắc phục điểm nóng về an ninh trật tự, giám sát cơ sở giáo dục, xử lý hành vi xả rác gây ô nhiễm môi trường, góp phần tạo được sự chuyển biến tích cực cho bộ mặt thành phố. Chuyên viên Phòng Môi trường UBND phường Đông Hưng Thuận (quận 12) Nguyễn Trọng Nhân chia sẻ, kể từ khi lắp đặt hệ thống camera giao thông, việc phát hiện, xử lý dễ dàng hơn; tình trạng vứt rác, xả rác cũng hạn chế hơn.

Theo Đề án Xây dựng hệ thống camera giám sát hình ảnh tập trung được Sở Thông tin - Truyền thông TP. HCM xây dựng, từ nay đến năm 2025, khoảng 10.000 camera giám sát sẽ được lắp khắp các tuyến đường và khoảng 1.000 - 3.000 camera gắn ở những khu vực trọng điểm do Công an TP. HCM quản lý với tổng kinh phí hơn 1.600 tỷ đồng. Sở Thông tin - Truyền thông sẽ phối hợp cùng các sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố thực hiện theo từng công đoạn. Toàn bộ mạng lưới camera trên sẽ được kết nối đồng bộ và phân quyền quản lý theo từng cấp độ nhằm tăng cường giám sát để xây dựng trật tự xã hội, phục vụ người dân.

Chủ tịch UBND TP. HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, việc triển khai lắp đặt và khai thác chức năng của hệ thống camera trên toàn thành phố bước đầu nhận được sự ủng hộ từ người dân là một tín hiệu đáng mừng. Việc nhân rộng thiết bị, kết nối tiến đến quản lý hệ thống camera tập trung sẽ thiết lập cơ sở dữ liệu rộng khắp; phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực mà trước nay đã có nhưng kém hiệu quả hoặc chưa từng được khai thác.

Còn tình trạng “đánh trống bỏ dùi”

Đề án lắp đặt hệ thống camera trên toàn TP. HCM có nguồn kinh phí không nhỏ, việc lắp đặt và vận hành, khai thác chức năng của hệ thống camera cũng được nhiều người dân tán thành. Tuy nhiên, để hệ thống camera thực sự là “mắt thần”, trở thành công cụ đắc lực phát hiện kịp thời và xử lý các vấn đề trong sự phát triển chung của thành phố là việc không hề đơn giản. Bởi, hệ thống camera hiện nay chưa được khai thác hiệu quả và triệt để, hành lang pháp lý để xử lý phạt nguội cũng chưa đầy đủ.

Chủ tịch UBND phường 14 (quận Tân Bình) Nguyễn Đức Hiếu cho rằng, rất khó khăn, thậm chí không thể phạt nguội các hành vi xả rác ghi nhận từ camera. Chủ tịch UBND phường 19 (quận Bình Thạnh) Bùi Thị Hồng Quế cũng cho hay, dù người dân hưởng ứng rất nhiệt tình việc cùng Nhà nước lắp đặt giám sát an ninh, song kinh phí bảo trì, sửa chữa camera hư hỏng lại rất khó khăn ảnh hưởng đến chất lượng, chức năng của hệ thống camera.

Cùng với đó, nhiều camera chỉ lắp ở độ cao từ 8-10 m gây hạn chế trong quan sát, chất lượng camera chưa thống nhất; tồn tại sự chênh lệch về mật độ và số lượng tại các địa bàn… dẫn đến việc khai thác kém hiệu quả, nhiều nơi “có cũng như không”. Điều này dẫn đến việc lãng phí và nguy cơ tạo thêm gánh nặng trong việc bảo trì, sửa chữa. Đặc biệt, hiện nay còn thiếu hành lang pháp lý để xử phạt các hành vi vi phạm dẫn đến sự lúng túng của lực lượng chuyên ngành ở địa phương.

Theo đó, hiện chỉ có ngành công an và một số đơn vị chức năng có thẩm quyền sử dụng hình ảnh từ camera để xử lý, xử phạt, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục xử lý đối với các trường hợp phát hiện các phương tiện vi phạm nhưng không dừng ngay được phương tiện. Cũng chính vì thiếu quy định, nhiều trường hợp dù có tư liệu ghi nhận hành vi vi phạm cụ thể nhưng chỉ dừng ở việc nhắc nhở, răn đe; còn việc đóng phạt chủ yếu dựa trên tinh thần tự giác của chủ phương tiện mà chưa có chế tài xử lý nếu chủ phương tiện cố tình không đến làm việc theo thông báo vi phạm. Trong khi việc đầu tư lắp đặt trang thiết bị cho việc xử lý vi phạm qua hình ảnh theo hình thức xã hội hóa chưa thể thực hiện do chưa được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật.

Chính sự “đánh trống, bỏ dùi” trong xử lý vi phạm đã khiến không ít người dân chẳng mặn mà với việc được vận động tham gia xã hội hóa, nhân rộng hệ thống camera. Để phát huy hiệu quả thực sự của hệ thống “mắt thần”, “phạt nguội” mà “không nguội”, cần sớm ban hành các quy định xử phạt bằng hình ảnh đối với các vi phạm về giao thông để kịp thời khắc phục những “lỗ hổng”, những bất cập, cũng như làm cơ sở để nghiên cứu, xây dựng quy chế, quy trình phạt nguội với các vi phạm lĩnh vực khác.
Theo daibieunhandan.vn