Nhân ngày Sách Việt Nam 2016: Chạnh lòng nghĩ về sách nội

Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 21/04/2016

(BKTO) - Thiếu về số lượng,chất lượng còn nhiều điều đáng bàn, đó là lý do đưa đến thực trạng sách Việttrong nước và tại nước ngoài luôn yếu thế so với sách ngoại. Để có thêm cáinhìn về vấn đề này, Báo Kiểm toán đã có cuộc trao đổi với GS. Chu Hảo - nguyênThứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ, Giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức nhân Ngày SáchViệt Nam(21/4) năm nay.



GS. Chu Hảo.Ảnh: PHỐ HIẾN
Là người luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sách, ông nhận định thế nào về thị trường của loại hình xuất bản phẩm này trong nước hiện nay?

- Qua số liệu thống kê của ngành Xuất bản, chúng ta cũng phần nào thấy được diện mạo thị trường sách trong năm qua. Cụ thể, với số lượng sách đã xuất bản là hơn 24 nghìn đầu sách với hơn 270 triệu bản, cùng 375 loại văn hóa phẩm với hơn 22 triệu bản, đem lại tổng doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng, là tín hiệu tích cực từ thị trường đặc biệt này.
Không phủ nhận thị trường sách hiện nay đang có những bước phát triển đáng kể với sự đa dạng hóa của các loại hình sách; người trẻ cũng ngày càng quan tâm tới sách hơn... Tuy nhiên, thị trường sách Việt Nam đang phát triển lệch, tỷ lệ sách nước ngoài được chuyển ngữ là chủ yếu; việc bán bản quyền ra nước ngoài còn quá nhỏ. Thống kê của Hội Xuất bản, năm 2015, Việt Nam chi 20 triệu USD để nhập khẩu ấn phẩm, trong khi chỉ xuất ra được trên 4,1 triệu USD; nước ta xuất khẩu 392 nghìn bản sách, nhưng lại nhập khẩu đến 60 triệu bản….

Cũng xin nói thêm rằng, những con số trên đây mới phản ánh sách - với thuần túy là một món hàng. Trong số hàng triệu bản sách được xuất bản, lưu hành, có bao nhiêu cuốn sách chứa đựng tính tư duy hay trí tuệ, thẩm mỹ? Số đó có, nhưng chưa nhiều. Trong khi đó, sách lưu hành trên thị trường vẫn còn quá nhiều “sạn”, từ những lỗi dịch thuật sai, đến việc sai nội dung và ngay cả không ít cuốn sách bán chạy cũng mang dáng dấp... ngôn tình, đáp ứng nhu cầu thị hiếu, chứ không phải là khuynh hướng thẩm mỹ hay yêu cầu về văn hóa đọc.

Có thể hiểu là sách nội đang lép vế trước sách ngoại. Vậy đâu là nguyên nhân đưa đến thực trạng này, thưa ông?

- Còn nhớ tại cuộc bình chọn giải thưởng Sách được bạn đọc yêu thích năm 2015 của Fahasa - đơn vị phát hành sách lớn nhất cả nước, trong top 10 sách được độc giả bình chọn thì có đến hơn một nửa là sách dịch. Kết quả bình chọn cho thấy, thực trạng sách nội đang lép vế trước sách ngoại.

Nguyên nhân trước hết có thể do sách trong nước có số lượng ít và chưa thực sự thu hút được độc giả. Ngay cả với sách được đông độc giả tìm đọc cũng chỉ quanh quẩn của một vài tác giả quen thuộc của làng văn bấy lâu nay. Điển hình như mảng sách dành cho thiếu nhi vẫn đang thiếu hụt những cây bút tâm huyết, tìm tòi. Bởi thế, khoảng 50% sách cho thiếu nhi hiện nay vẫn đang từ nguồn… nhập khẩu.

Thứ hai, sự bùng nổ của sách nước ngoài, với những khám phá, tìm tòi trên nhiều lĩnh vực mới đã thu hút độc giả trong nước. Vì lợi nhuận, nhiều công ty dịch thuật và nhà xuất bản phải “chạy đua” tìm dịch, xuất bản các sách chuyển ngữ đang được độc giả quan tâm. Tuy nhiên, do chạy theo lợi nhuận, nên nhiều cuốn sách được biên dịch vội vàng dẫn đến sai sót đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây ảnh hưởng đến chất lượng của sách.

Ngoài ra, phải kể đến một số nguyên nhân khác như sự bùng nổ của thông tin mạng, điện thoại thông minh... đã khiến cho văn hóa đọc sách phần nào bị thờ ơ. Sự manh mún, lạc hậu của các nhà xuất bản, hệ thống phát hành cũng khiến cho việc đưa sách đến với độc giả bị hạn chế.

Được biết, hằng năm, thông qua Hội Nhà văn Việt Nam, Nhà nước luôn chú trọng đầu tư cho sáng tác. Thế nhưng suốt nhiều năm qua, công chúng vẫn chưa được thấy hiệu quả. Ông bình luận gì về vấn đề này?

- Đầu tư cho sáng tác vẫn luôn là vấn đề “nóng”. Bởi lẽ qua nhiều kỳ Đại hội gần đây, từ Hội Nhà văn Việt Nam đến các Hội Nhà văn địa phương, vấn đề này luôn được tranh luận gay gắt, nhưng cũng chưa đâu vào đâu. Hội Nhà văn Việt Nam là đơn vị đầu mối được Nhà nước giao tiền đầu tư cho hoạt động sách tác đến các hội viên. Ngoài đầu tư trực tiếp, các Hội Nhà văn còn có hình thức đầu tư cho sáng tác thông qua việc tổ chức các trại sáng tác. Không thể phủ nhận mặt tích cực của trại sáng tác là tạo điều kiện về không gian cho các tác giả có cơ hội giao lưu và thảnh thơi để sáng tác, tuy nhiên đến nay mô hình trại sáng tác theo kiểu bao cấp này đã không còn phù hợp.

Thậm chí thời gian qua, đã có không ít lùm xùm liên quan đến các trại sáng tác này. Thậm chí, có người còn coi dịp tham dự trại sáng tác là để xài tiền chùa, mang tâm lý đi du lịch, nghỉ ngơi hơn là giao lưu, học hỏi, nâng cao trình độ viết... Do đó, hiệu quả của các trại sáng tác đến đâu vẫn là dấu hỏi lớn. Chỉ có điều chắc chắn là số tiền tiêu tốn qua các trại sáng tác hằng năm là không hề nhỏ.

Rõ ràng, chủ trương đầu tư cho hoạt động sáng tác nói chung của Nhà nước là hoàn toàn đúng đắn, tuy nhiên, hiện thực hóa những chủ trương đó như thế nào để phát huy tiềm năng, nội lực sáng tác là điều mà độc giả và những người theo nghiệp sáng tác chân chính mong đợi hơn bao giờ hết. Cuối cùng, nói đầu tư cho sáng tác nhiều, nhưng sau bao năm sách của chúng ta vẫn chịu tiếng lép vế với sách ngoại ngay tại thị trường trong nước là không được.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!
NGUYỄN LỘC
(Thực hiện)