Những cuộc “đánh đổi” lạ lùng!

Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 21/04/2016

(BKTO) - Đánhđổi giữa phát triển kinh tế và bảo tồn đa dạng sinh học, gìn giữ các nguồn tàinguyên vẫn là đề tài nói dài, nói mãi nhưng không thể không nói.



10.000 ha rừng bị tàn phá vì các hoạt động mất kiểm soát khi xây dựng Thủy điện Trị An, Đồng Nai. Ảnh: TK

Có lẽ ai cũng biết hậu quả nhãn tiền và hệ lụy khủng khiếp cho tương lai khi rừng bị mất. Lâm tặc phá rừng đã là vấn đề nhức nhối, rừng chảy máu ngày đêm trong khi lực lượng kiểm lâm mỏng và thiếu trang thiết bị. Lâm tặc vào rừng cũng chỉ chặt trộm được vài cây, vậy mà chỉ cần một chữ ký duyệt dự án thì hàng ngàn cây và thú rừng phải đổ xuống. Mỗi một công trình thủy điện mọc lên, có biết bao nhiêu cánh rừng đầu nguồn, rừng quốc gia bị san bằng? Hơn chục năm qua đã có hàng ngàn ha rừng đặc dụng bị phá để xây dựng thủy điện nhưng diện tích rừng trồng bù đến nay vô cùng nhỏ nhoi.

Thủy điện Trị An (Đồng Nai) đã được xây dựng cách đây 30 năm nhưng câu chuyện đánh đổi rừng vẫn còn là bài học đắt giá. Thủy điện chiếm diện tích hơn 2.000 ha rừng nhưng trên thực tế hơn 10.000 ha rừng đặc dụng đã bị tàn phá vì các hoạt động “ăn theo” mất kiểm soát. Ngày 30/3 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải ban hành công văn hỏa tốc yêu cầu tạm dừng thi công dự án thủy điện Đăk Re (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi).

Dự án có tổng số vốn 2.300 tỷ đồng này dù chưa được UBND tỉnh Quảng Ngãi đồng ý cho phép chuyển đổi các diện tích rừng phòng hộ, rừng tự nhiên để xây dựng các hạng mục phụ trợ nhưng vẫn ngang nhiên đưa máy móc vào san ủi, khiến một diện tích rừng phòng hộ tan hoang. Hay gần đây, việc tỉnh Đắk Lắk cho phép Công ty CP Đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới - TECCO khảo sát, lập dự án nhà máy thủy điện Đrăng Phốk với công suất 28MW thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn. Dự kiến, diện tích rừng đặc dụng phải chuyển đổi làm dự án này khoảng 63 ha. Dự án này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận cũng như giới khoa học. Các chuyên gia cho rằng đây là việc làm trái luật và sẽ phải trả giá đắt.…

Không thể phủ nhận những lợi ích mà thủy điện đem lại. Thông thường các công trình thuỷ điện có vốn đầu tư lớn, thời gian xây dựng kéo dài, song hiệu quả cao và tuổi thọ đến 100 năm hoặc hơn. Về lâu dài mà nói thì không có công nghệ năng lượng nào rẻ bằng thuỷ điện và đặc biệt là cung cấp nguồn năng lượng tái tạo và tương đối sạch. Nhưng bên cạnh những lợi ích đó chúng ta phải đánh đổi nhiều thứ.

Theo các chuyên gia, để tạo 1MW công suất thủy điện, phải mất đi từ 10 - 30 ha rừng, và để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng cần san phẳng, giải phóng từ 1.000 - 2.000 ha đất ở phía thượng nguồn. Những năm gần đây, mối quan ngại về những tác động tiêu cực hiện hữu cũng như tiềm ẩn về xã hội và môi trường của các đập thủy điện đã được nhiều nhà khoa học cũng như các nhà chức trách ở một số quốc gia lên tiếng và hành động. Hiện nay, một số nước đã chấm dứt việc xây đập làm thủy điện, thậm chí có nơi còn chấp nhận tốn tiền để phá bỏ như trường hợp của Mỹ, Nhật.

Chúng ta không phản đối việc phát triển nguồn năng lượng thủy điện của Việt Nam khi mà trong giai đoạn hiện nay nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất ở nước ta còn chưa được đáp ứng đủ, mà nguồn năng lượng sạch thay thế còn chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, mỗi lần duyệt một dự án thủy điện, thiết nghĩ các nhà quản lý phải có sự đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện cái “được” cái mất”. Đừng để những cuộc “đánh đổi” diễn ra tràn lan như sự phung phí đối với chính sự sống của mình.

LONG HOÀNG