Chính sách BHXH, BHYT: Đổi mới, cải cách với tinh thần phục vụ

Xã hội - Ngày đăng : 13:40, 24/02/2020

(BKTO) - “Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của người lao động”. Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến Đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH).



Ngành BHXH từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Ảnh: thaibinhtv.vn

90% thủ tục hành chínhđược cắt giảm

Theo Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, 25 năm qua, ngành BHXH đã nỗ lực tạo những dấu ấn quan trọng trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), khẳng định được vai trò trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội quốc gia.

Cùng với gia tăng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, ý thức rõ về trách nhiệm phục vụ nhân dân, ngành BHXH rất coi trọng công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ; quyết liệt chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ. Trong đó, việc cải tiến, rút gọn thủ tục hành chính (TTHC) trong việc tham gia và giải quyết các quyền lợi về BHXH, BHYT chính là một bước đột phá với 90% số TTHC đã được cắt giảm (từ 263 TTHC năm 2012 cắt giảm xuống còn 27 TTHC vào năm 2019); trên 90% đơn vị, DN thực hiện kê khai đóng BHXH qua mạng internet. Thời gian thực hiện TTHC trong giao dịch với các DN, cá nhân về kê khai tham gia BHXH, BHYT được rút ngắn từ 335 giờ/năm xuống còn 147 giờ/năm (số thời gian đi lại, chờ đợi tiết kiệm được lên tới hơn 3 triệu giờ/năm), góp phần vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngành BHXH cũng từng bước hiện đại hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, BHXH Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống Chính phủ điện tử thông suốt trong toàn ngành; hoàn thành việc cấp mã số định danh BHXH cho 97 triệu người dân, trong đó có gần 86 triệu người tham gia BHYT; góp phần quan trọng vào xây dựng Chính phủ số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội… Đặc biệt, Hệ thống giám định BHYT điện tử đã kết nối với gần 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, thực hiện giám định tự động chi phí khám, chữa bệnh BHYT giúp cho việc quản lý, sử dụng Quỹ BHYT được công khai, minh bạch, hiệu quả… Trong năm 2019, ngành BHXH đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp chính thức khai trương Cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua Trục dữ liệu quốc gia (NGSP) phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Hướng đến quản lý hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả

Việc triển khai đồng bộ công tác ứng dụng CNTT trong các mảng hoạt động nghiệp vụ thời gian qua của ngành BHXH đã làm thay đổi nhận thức, chuyển biến cơ bản cách thức quản lý, làm việc, giao dịch của lãnh đạo và cán bộ BHXH với người dân và DN. Trong 3 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019), tại “Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông (ICT-index) Việt Nam”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến và được xếp hạng 2 trong Bảng xếp hạng chung khối Bộ, ngành có dịch vụ công.

Đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành BHXH trong 25 năm qua, bước sang chặng đường mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành BHXH cần xây dựng bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả gắn với việc ứng dụng CNTT, kết nối liên thông trong thực thi chính sách, để BHXH Việt Nam phải là mô hình đi đầu trong cải cách hoạt động, với tinh thần phục vụ, bảo đảm sự hài lòng của người dân, không ngừng củng cố niềm tin của người lao động.

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao của người dân, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh cũng nêu rõ: Chúng ta không được phép tụt lại phía sau trong thời đại cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó, CNTT cần phải được đặc biệt coi trọng vì sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo… có tác động, hỗ trợ đắc lực. Do đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong giai đoạn tới là hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ; thường xuyên nâng cấp các phần mềm, cơ sở dữ liệu tập trung; thực hiện liên thông dữ liệu với các Bộ, ngành; mở rộng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm… Đồng thời, tiếp tục tăng cường các biện pháp cải cách TTHC trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT; thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết chế độ, chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ… nhằm xây dựng ngành BHXH chuyên nghiệp, hướng tới sự hài lòng của người dân.

N. HỒNG