Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020: Tập trung bảo đảm chất lượng đầu vào
Xã hội - Ngày đăng : 13:55, 24/02/2020
(BKTO) - Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), để khắc phục những điểm còn bất cập trong quá trình tuyển sinh năm 2019, Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) hệ chính quy, cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy năm 2020 sẽ có một số điểm mới, tập trung bảo đảm chất lượng đầu vào nhằm đề cao trách nhiệm và uy tín của các trường, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Điểm mới trong tuyển sinhnăm 2020
Tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác tuyển sinh năm 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 được tổ chức ngày 13/02, Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2019 vẫn còn nhiều hạn chế cần khắc phục như: một số cơ sở đào tạo xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo; lạm dụng quyền tự chủ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp. Đáng chú ý, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (63,89%) so với số trúng tuyển. Nguyên nhân là do thí sinh không có nhu cầu học đại học nhưng các trường phổ thông vẫn tư vấn các em đăng ký xét tuyển để nâng cao thành tích của trường.
Về công tác tuyển sinh 2020, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay, về cơ bản, Quy chế tuyển sinh vẫn giữ ổn định trong giai đoạn 2017-2020 trên cơ sở khắc phục những điểm còn bất cập, gây bức xúc cho dư luận.
Quy chế tuyển sinh 2020 sẽ quy định các nguyên tắc và mở rộng quyền tự chủ đối với các trường tổ chức thi tuyển sinh (thi các môn văn hóa, năng khiếu, đánh giá năng lực...) nhằm điều chỉnh pháp luật sát với thực tế, đảm bảo chất lượng đầu vào và nâng cao trách nhiệm giải trình của các trường. Năm nay, Bộ GD&ĐT tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe; đặc biệt là bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của hai khối ngành này. Đồng thời, Bộ cũng sẽ quy định chế tài chặt chẽ các trường hợp vi phạm đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh, đặc biệt là thí sinh gian lận trong công tác thi, tuyển sinh…
Tư vấn tuyển sinh phải bám sát nhu cầu thực tiễn
Đại diện các cơ sở GD&ĐT thống nhất chủ trương tuyển sinh 2020. Tuy nhiên, lãnh đạo Trường ĐH Mở Hà Nội băn khoăn, việc tư vấn hướng nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 là hơn 115% chỉ tiêu nhưng tỷ lệ nhập học chỉ có gần 64%. Điều này chứng tỏ thí sinh chưa có đầy đủ thông tin về nghề nghiệp, về ngành đào tạo khi đăng ký dự thi. Do vậy, cần có sự chung tay của các trường ĐH và sở GD& ĐT để công tác hướng nghiệp thật sự hiệu quả, tăng tỷ lệ người học chọn đúng ngành đúng nghề.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Văn Minh, việc đặt ra ngưỡng bảo đảm chất lượng là rất cần thiết. Trong 2 năm qua, chất lượng đầu vào các trường sư phạm khá hơn, tuy nhiên, để triển khai chương trình mới cần có giáo viên giảng dạy tin học và các môn nghệ thuật. Trên thực tế, sinh viên tốt nghiệp nhóm ngành này khi ra trường thường chọn công việc khác hơn là làm giáo viên. Nếu không có giải pháp, chỉ từ 1 đến 2 năm nữa sẽ thiếu trầm trọng giáo viên các môn này.
Trước những băn khoăn trên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm 2020 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đạt hiệu quả cao, các sở GD&ĐT phải chỉ đạo các trường trung học phổ thông (THPT) tập trung dạy học, ôn tập cho học sinh thi THPT quốc gia theo hướng dẫn của Bộ, tránh tình trạng học lệch, học tủ. Việc cho điểm trong học bạ phải đảm bảo trung thực, khách quan, khuyến khích học bạ điện tử và kết quả điểm phải minh bạch, làm cơ sở tin cậy cho cơ sở giáo dục ĐH tuyển sinh bằng phương thức xét học bạ. Việc tư vấn tuyển sinh của trường đại học phải bám sát nhu cầu thực tiễn ngành nghề; phối hợp chặt chẽ với các DN, đơn vị sử dụng lao động,… để cung cấp thông tin, thậm chí đưa ra yêu cầu về nghề nghiệp để học sinh, phụ huynh tham khảo, lựa chọn phù hợp. Đồng thời, các cơ sở giáo dục ĐH phải tính toán kỹ lưỡng, có nghiên cứu và phân tích thị trường để đưa ra quyết định về việc mở ngành mới, tránh việc mở ngành ồ ạt, trong khi chưa đảm bảo tốt chất lượng.
LÊ HÒA