Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc: Hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam

Đầu tư - Ngày đăng : 09:10, 28/05/2015

(BKTO) - Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam vàHàn Quốc (VKFTA) vừa được 2 nước ký kết vào đầu tháng 5/2015, có hiệu lực từngày 01/01/2016 được các chuyên gia về hội nhập kinh tế quốc tế cho rằng sẽ manglại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam.


ác DN Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh Ảnh: T.K
Các DN Việt Nam và Hàn Quốc trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh. Ảnh: T.K
Tại Hội thảo “Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Hàn Quốc: Nội dung cam kết và tác động tới doanh nghiệp Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Bộ Tài chính và Bộ Công thương vừa tổ chức, bà Đào Thu Hương - Trưởng Phòng Hội nhập kinh tế quốc tế, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết: Các cam kết mà Hàn Quốc mở cửa cho Việt Nam là cơ hội rất lớn cho Việt Nam nhưng vấn đề là Việt Nam có tận dụng được cơ hội hay không. Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Nhật Bản và EU. Khoảng 70% đến 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Hàn Quốc là các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho các ngành sản xuất trong nước. Do vậy, việc giảm thuế nhập khẩu đối với các nguyên phụ liệu này sẽ góp phần giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam.

Theo cam kết của VKFTA, phía Hàn Quốc sẽ tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), mở cửa thêm 500 mặt hàng, nâng tổng số dòng thuế tự do hóa lên 11.600 dòng thuế (chiếm 95,4% tổng Biểu thuế) cho Việt Nam. Bà Hương cho biết, điều đáng nói là Việt Nam là đối tác FTA đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa thị trường, xóa bỏ thuế quan có lộ trình đối với những sản phẩm rất nhạy cảm đối với Hàn Quốc như hoa quả tươi và chế biến (hiện thuế suất khoảng 30% đến 50%); một số rau quả nhiệt đới và nhất là những mặt hàng như tỏi, gừng, mật ong, khoai lang, đỗ đỏ... (thuế suất những mặt hàng này hiện rất cao, từ 241% đến 420%). Các sản phẩm dệt may, giày dép của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc cũng được xóa bỏ ngay từ 10-13% xuống còn 0% vào năm 2016. Riêng với mặt hàng tôm, Hàn Quốc cam kết cấp cho Việt Nam lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm với thuế suất 0%, trong khi hiện nay Việt Nam chỉ tận dụng được 2.500 tấn/năm miễn thuế trong tổng số 5.000 tấn/năm dành cho 10 nước ASEAN. Đây là một bước thành công của Việt Nam trong đàm phán VKFTA. Tất cả những ưu đãi đó sẽ tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho hàng xuất khẩu của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Đại diện Bộ Tài chính còn cho biết thêm: Thành công đáng nói của VKFTA này là Việt Nam tiếp tục duy trì bảo lưu đối với một số mặt hàng nhạy cảm đối với Việt Nam mà Hàn Quốc có thế mạnh xuất khẩu nhằm bảo hộ các ngành sản xuất trong nước như ô tô nguyên chiếc, sắt thép, sản phẩm nhựa... Nếu trong Hiệp định đã ký với ASEAN trước đây, Việt Nam phải cam kết mở cửa hoàn toàn đối với mặt hàng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu, sắt thép... thì khi ký với Hàn Quốc lần này, Việt Nam chỉ cam kết cắt giảm thuế với xe tải trên 10 tấn đến không quá 20 tấn và ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000cc. Việc cam kết cắt giảm thuế suất phụ tùng, linh kiện ô tô cũng được thực hiện theo lộ trình hợp lý từ 10 đến 15 năm, mỗi năm cắt giảm từ từ. Với việc duy trì thuế suất cao đối với ô tô nguyên chiếc và xóa bỏ theo lộ trình hợp lý đối với nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện với Hàn Quốc sẽ tạo cơ hội để ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước dần dần tự điều chỉnh, tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra, trên cơ sở Hiệp định đã ký với ASEAN trong đó có đối tác Hàn Quốc trước đây, trong VKFTA lần này, Việt Nam đã cam kết mở cửa thêm với Hàn Quốc đối với 200 dòng thuế theo lộ trình 15 năm, chiếm 5,9% tổng kim ngạch nhập khẩu, góp phần nâng số dòng thuế cam kết cắt giảm thuế quan với Hàn Quốc lên 8.520 dòng thuế, chiếm 92,7% giá trị kim ngạch (tính theo số liệu năm 2012). Danh mục 200 mặt hàng cam kết mở cửa song phương với Hàn Quốc chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên, phụ liệu dệt, may; nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cáp điện... Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác. Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế nhập khẩu nói trên sẽ làm giảm thu ngân sách; tạo thêm sức ép cạnh tranh với DN Việt Nam đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Vì vậy, cơ quan quản lý Nhà nước cần nâng cao năng lực, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, tăng cường tuyên truyền cho DN về các cam kết của Việt Nam trong các FTA trong đó có VKFTA; DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về hội nhập để chủ động đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh mới có thể tận dụng được cơ hội lớn này …

Đại diện Bộ Công thương lưu ý, VKFTA sẽ giúp cho việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hàn Quốc thuận lợi hơn. Tuy nhiên, người tiêu dùng Hàn Quốc luôn ý thức được việc tiêu dùng hàng nội địa nên ban đầu hàng Việt Nam cũng gặp khó khăn khi thâm nhập thị trường Hàn Quốc. Mặt khác, để xuất khẩu được vào Hàn Quốc, hàng hóa phải đảm bảo hàng loạt các quy chuẩn, tiêu chuẩn rất cao như vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ hàng hóa...

Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Korcham) tại Việt Nam - ông Hong Sun cũng cho rằng, Hiệp định vừa được hai bên ký kết sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho các DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc. Ông Hong Sun khuyến nghị các DN Việt Nam nên hợp tác với DN Hàn Quốc, nhất là các DN, tập đoàn của Hàn Quốc đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

THÙY ANH