Vào cuộc mạnh mẽ hơn để giải quyết kiến nghị của doanh nghiệp

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 15:48, 02/03/2020

(BKTO) - Công tác trả lời, giải quyết kiến nghị của DN thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi lên Thủ tướng Chính phủ đầu năm 2020 cho biết, một số Bộ, ngành, địa phương chưa trả lời, giải quyết các kiến nghị DN một cách kịp thời và đúng thời hạn; một số kiến nghị được trả lời chung chung, không nêu hướng giải quyết dứt điểm khiến nhiều DN chưa hài lòng...


Những chuyển biến tích cực

Là cơ quan được Chính phủ giao thực hiện tổng hợp, đánh giá tình hình giải quyết kiến nghị của cộng đồng DN giai đoạn 2016-2019, VCCI cho biết, từ ngày 01/10/2016 đến 31/12/2019, đã có 3.287 kiến nghị của DN được tiếp nhận qua các kênh (Văn phòng Chính phủ, VCCI, hiệp hội DN) và chuyển đến các Bộ, ngành, địa phương xem xét, giải quyết, trả lời DN.

Tính đến hết năm 2019, đã có 2.582 kiến nghị được trả lời, giải quyết (chiếm tỷ lệ 78,5%) và 705 kiến nghị chưa được trả lời, giải quyết (chiếm tỷ lệ 21,5%). Từ kết quả tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của DN cho thấy, số lượng kiến nghị DN có xu hướng giảm theo thời gian. Số lượng kiến nghị năm 2018 bằng 61% và năm 2019 bằng 81% so với năm 2017. Điều này cho thấy việc giải quyết kiến nghị đã có hiệu quả hơn và khó khăn, vướng mắc của DN có xu hướng giảm dần.

Trong Báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, việc tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Tỷ lệ giải quyết kiến nghị đạt gần 80% là mức độ khá cao.

Minh chứng là trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 về giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của DN, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN hoàn toàn phụ thuộc vào “thiện chí” các Bộ, ngành, địa phương. Sau Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2016, tỷ lệ trả lời kiến nghị của DN do VCCI chuyển đến các Bộ, ngành đã đạt 45%. Sau khi đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của DN trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ (cuối năm 2016), tỷ lệ trả lời kiến nghị DN của các Bộ, ngành, địa phương đã đạt 76,1% và sau 4 năm (2016-2019), tỷ lệ trả lời kiến nghị DN của các Bộ, ngành đã đạt gần 80%. Việc đăng công khai nội dung kiến nghị và các cơ quan Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm trả lời đã có tác dụng tốt trong việc nâng cao tỷ lệ trả lời và giải quyết khó khăn cho DN. Việc tiếp nhận, chuyển giao kiến nghị của DN và theo dõi sát sao việc giải quyết kiến nghị đã phát huy tác dụng rõ rệt, góp phần tăng số lượng kiến nghị từ DN/hiệp hội DN và tạo “áp lực” hành chính để các Bộ, ngành, địa phương phải nghiêm túc nghiên cứu, trả lời.


Tỷ lệ doanh nghiệp chưa hài lòngvẫn còn cao

Mặc dù các Bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến tích cực trong công tác trả lời, giải quyết kiến nghị của DN, tuy nhiên, vẫn còn trên 20% kiến nghị của DN chưa được trả lời, giải quyết. Điều này đòi hỏi các Bộ, ngành, địa phương cần tích cực hơn, đồng thời làm rõ các nguyên nhân ảnh hưởng đến hạn chế này - TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ DN chưa hài lòng với công tác trả lời kiến nghị vẫn còn cao. Cụ thể, về trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, có 37,9% DN trả lời hài lòng; 17,7% DN trả lời rất hài lòng; 40,7% DN trả lời chưa hài lòng và 3,7% DN không đánh giá. Về việc giải quyết kiến nghị của các địa phương, có 27,7% DN trả lời hài lòng; 9,6% DN trả lời rất hài lòng; 31,6% DN trả lời chưa hài lòng và 31,1 DN không đánh giá.

Chia sẻ về lý do chưa hài lòng, có đến 41,4% DN đánh giá nội dung trả lời của các cơ quan nhà nước vẫn còn chung chung, nặng về giải thích mà không giải quyết vấn đề DN kiến nghị; 14,7% DN cho rằng cần phải sửa đổi các quy định của pháp luật mới giải quyết được, nhưng việc sửa đổi tiến hành chậm; 11% DN phản ánh cơ quan chức năng chỉ ghi nhận kiến nghị mà không giải quyết. Ngoài ra, còn 8,9% DN phản ánh cơ quan chức năng trả lời không đúng nội dung kiến nghị và trên 30% DN nêu các lý do khác...

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, các DN/hiệp hội DN đánh giá chưa hài lòng đối với việc trả lời kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương có xu hướng tăng lên. Lý do DN/hiệp hội DN đánh giá câu trả lời quá chung chung, giải thích mà không giải quyết tăng mạnh (48,5% của 6 tháng cuối năm 2019 so với 34,29% của 6 tháng đầu năm 2019). Tỷ lệ các DN/hiệp hội DN phản ánh cơ quan chức năng trả lời không đúng nội dung kiến nghị cũng tăng nhiều (12,1% của 6 tháng cuối năm 2019 so với 5,71% của 6 tháng đầu năm 2019). Thực trạng này cho thấy công tác giải quyết kiến nghị của các Bộ, ngành, địa phương cần phải tiếp tục nâng cao về chất lượng để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của DN.

Để nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của cộng đồng DN, VCCI đề xuất, bên cạnh việc tăng cường giám sát, Chính phủ cần quy định rõ về trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác trả lời, giải quyết kiến nghị của DN. Đồng thời, cần ban hành tiêu chí đánh giá chất lượng công tác trả lời phản ánh, kiến nghị DN của các Bộ, ngành, địa phương. Hằng năm, thực hiện đánh giá và công bố xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận và trả lời, giải quyết kiến nghị của DN. Cùng với đó, cần phải tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020; ban hành Nghị quyết mới về hỗ trợ và phát triển DN cho giai đoạn 2020-2025...

PHÚC KHANG