Kiểm toán Tổng công ty Sông Đà năm 2012: Kỳ I: Doanh thu, thu nhập tăng nhưng vẫn… lỗ

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:20, 28/04/2016

(BKTO) - Năm 2012, các DN xây dựng nói chung và Tổng công ty Sông Đà nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng lớn bởi nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn. Vì thế, mặc dù tổng doanh thu, thu nhập của Tổng công ty năm 2012 đạt 16.232 tỷ đồng, cao hơn năm 2011, nhưng kết quả tổng thể mang lại vẫn là… lỗ.



Năm 2012, Tổng công ty Sông Đà gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Ảnh: TS
Sản xuất kinh doanh gặp khó

Kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đến 31/12/2012 có số lỗ lũy kế là 86,7 tỷ đồng, mặc dù doanh thu, thu nhập tăng so với năm 2011, cụ thể: tổng doanh thu, thu nhập tăng 4%, lợi nhuận trước thuế tăng 34%; tỷ suất lợi nhuận trước thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu và lợi ích của cổ đông thiểu số năm 2012 là 0,013 lần, tăng so với năm 2011 (0,0076 lần).

Trong số 13 đơn vị được kiểm toán thì 11/13 công ty có kết quả sản xuất kinh doanh có lãi; 2/13 công ty sản xuất kinh doanh lỗ (Công ty Việt - Ý và Công ty Yaly) mà nguyên nhân chủ yếu được xác định do phải gánh chịu khoản lỗ từ công ty con sau khi sáp nhập, thị trường tiêu thụ sản phẩm bị thu hẹp, chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ kinh doanh cùng ngành nghề trong khu vực... Hệ số bảo toàn vốn của Tổng công ty là 2,65 và đa số các đơn vị được kiểm toán đều bảo toàn được vốn, duy chỉ có Công ty Yaly không bảo toàn được vốn.

Đánh giá về khả năng thanh toán của các đơn vị, KTNN cho biết Tổng công ty đảm bảo khả năng thanh toán hiện hành tại thời điểm 31/12/2012 với hệ số thanh toán hiện thời là 1,23 lần, tuy nhiên Tổng công ty lại gặp khó khăn trong thanh toán các khoản nợ ngắn hạn với hệ số thanh toán nợ ngắn hạn là 0,71 lần.

Bên cạnh đó có 3/13 đơn vị được kiểm toán không đảm bảo khả năng thanh toán nợ ngắn hạn. Hệ số vốn tự có của Tổng công ty cũng được KTNN đánh giá là thấp khi thực tế vốn chủ sở hữu và lợi ích cổ đông thiểu số/tổng nguồn vốn là 0,186 lần, tỷ lệ vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 18,6% tổng nguồn vốn nên hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty chủ yếu dựa vào nguồn vốn huy động và phải chịu áp lực về chi phí lãi vay phải trả. Cụ thể, tổng chi phí tài chính năm 2012 của Tổng công ty là 2.075 tỷ đồng, trong đó lãi vay là 1.857 tỷ đồng, chiếm hơn 50% vốn điều lệ của Tổng công ty.

Tổng hợp kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị Tổng công ty Sông Đà thực hiện và chỉ đạo người đại diện phần vốn tại các đơn vị được kiểm toán điều chỉnh số liệu kế toán, nộp vào NSNN các khoản thuế do kiểm toán xác định tăng thêm là 7,13 tỷ đồng. Đến thời điểm kết thúc kiểm toán (29/11/2013), Tổng công ty và các đơn vị đã nộp thêm được 1,84 tỷ đồng, số còn phải nộp sau đó là 5,28 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các khoản phải nộp thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập DN, thuế Tài nguyên…

Tái cơ cấu để nâng caohiệu quả

Đồng thời với kiến nghị xử lý tài chính, KTNN còn kiến nghị Tổng công ty Sông Đà phải thành lập Hội đồng để rà soát, xác minh và xử lý các khoản công nợ phải thu khó đòi tồn đọng theo quy định; tích cực đôn đốc, thu hồi các khoản nợ tồn đọng. Đặc biệt là phải chỉ đạo người đại diện phần vốn của Tổng công ty tại các DN khác có biện pháp cơ cấu sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn; báo cáo kịp thời tình hình quản lý vốn tại đơn vị làm đại diện theo quy định.

Bởi theo kết quả kiểm toán, tại thời điểm 31/12/2012, giá trị các khoản phải thu ngắn hạn tại các đơn vị được kiểm toán lên tới hơn 4.504 tỷ đồng, khoản phải thu dài hạn là 333,7 tỷ đồng. Một số đơn vị chưa đối chiếu đầy đủ nợ phải thu, chưa phân loại tuổi nợ, trích lập dự phòng một số khoản nợ phải thu khó đòi không có biên bản đối chiếu hoặc không trích lập dự phòng, chưa thực hiện bù trừ giữa phải thu và người mua ứng trước cùng một khách hàng.

Cá biệt, trường hợp Công ty Việt - Ý ứng trước tiền mua phôi thép cho Công ty cổ phần luyện cán thép Sóc Sơn theo Hợp đồng số 01/2007-HĐKT nhưng không có bảo lãnh thực hiện hợp đồng dẫn đến việc phát sinh khoản nợ phải thu khó đòi. Theo kết luận của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Công ty luyện cán thép Sóc Sơn phải bồi thường toàn bộ nợ gốc, tiền lãi quá hạn, tiền phạt vi phạm hợp đồng, tiền bồi thường thiệt hại cho Công ty Việt - Ý là 32,7 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 11,2 tỷ đồng). Nhưng đến thời điểm kiểm toán, Công ty Việt - Ý vẫn chưa thu hồi được số nợ này.

Nhìn lại quá trình từ khi hoạt động theo mô hình cổ phần, KTNN cho rằng: Tổng công ty đã phát huy được thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng thủy điện, tổ hợp các công trình ngầm, một số đơn vị đã thực hiện tăng vốn nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh đạt lợi nhuận cao, tuy nhiên kết quả kinh doanh tại một số công ty còn chưa hiệu quả.

Thực hiện đề án tái cơ cấu DNNN, Tổng công ty Sông Đà đã xây dựng Đề án tái cấu trúc giai đoạn 2012-2015, tầm nhìn đến 2020 và đã được Bộ Xây dựng phê duyệt. Theo đó, Tổng công ty Sông Đà thực hiện tái cấu trúc tập trung vào 3 ngành kinh doanh chính, gồm: ngành tổng thầu xây dựng và tổng thầu EPC; ngành điện; ngành phát triển đô thị và nhà ở. Theo lộ trình, Tổng công ty sẽ hoàn thành việc xây dựng cơ cấu tổ chức mới toàn Tổng công ty và năm 2017 khi sáp nhập các công ty thuộc ngành kinh doanh chính và hoàn thành thoái vốn tại các đơn vị không thuộc ngành kinh doanh chính.

Đến thời điểm kết thúc kiểm toán, Công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà đang thực hiện thoái vốn tại 5 công ty và Hội đồng thành viên Tổng công ty đã ban hành các Nghị quyết thông qua chủ trương thoái vốn tại 7 đơn vị thành viên. Tuy nhiên, việc thực hiện còn gặp nhiều khó khăn do sự suy giảm của thị trường chứng khoán.

(Kỳ sau đăng tiếp)
QUỲNH ANH