Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán ngân sách địa phương
Đối nội - Ngày đăng : 08:26, 05/03/2020
(BKTO) - Chiều 04/3, dưới sự đồng chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Nguyễn Khánh Toàn và Giám đốc Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Lê Minh Nam, KTNN tổ chức Tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm kiểm toán và các phát hiện kiểm toán trong kiểm toán thu, chi NSNN đối với kiểm toán ngân sách địa phương”.
Tham dự Tọa đàm có đại diện các KTNN chuyên ngành, các KTNN từ khu vực III trở ra và các đơn vị tham mưu trực thuộc KTNN.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách địa phương
Khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nêu rõ, Kiểm toán ngân sách địa phương (NSĐP) là nội dung quan trọng trong kế hoạch kiểm toán hàng năm của KTNN. Kết quả kiểm toán NSĐP có tác động tích cực đến việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước khác tại các địa phương, phục vụ tốt cho công tác quản lý, điều hành NSNN, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, giám sát của Quốc hội và HĐND các cấp. Theo đó, kết quả kiểm toán ngân sách địa phương đã góp phần quan trọng trong báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN, kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN, nâng cao chất lượng công tác quản lý tài chính, ngân sách, kiến nghi ̣với các cơ quan chức năng của Nhà nước bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý tài chính, ngân sách.
Ban chủ trì Tọa đàm |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các đối tượng sử dụng thông tin kiểm toán, công tác tổ chức kiểm toán NSĐP vẫn cần được cải tiến để hiệu quả đạt được cao hơn. Vì vậy, Tọa đàm là hoạt động chuyên môn của các đơn vị nhằm góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP của Ngành.
Mục đích của Tọa đàm nhằm phân tích, trao đổi và làm rõ thực trạng, những thuận lợi và khó khăn trong quá trình tổ chức các cuộc kiểm toán NSĐP; từ đó đưa ra hệ thống giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán, giúp KTNN thực hiện tốt hơn sứ mạng của mình đối với xã hội trong việc kiểm toán công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Với mục đích đó, các bài tham luận và ý kiến trao đổi, thảo luận tại Tọa đàm đã tập trung thảo luận về: những phát hiện, kinh nghiệm thực tiễn và những khó khăn, vướng mắc của các KTNN khu vực trong quá trình tổ chức thực hiện kiểm toán NSĐP; ý kiến của các vụ tham mưu về những vấn đề chưa thống nhất trong tham mưu, xử lý của các KTNN khu vực và các đơn vị đối với kiểm toán NSĐP,... Đồng thời, đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ những bất cập hiện tại, góp phần nâng cao chất lượng công tác tổ chức kiểm toán NSĐP của KTNN đạt được mục tiêu, nội dung của các cuộc kiểm toán NSĐP năm 2020 theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Những hạn chế trong kiểm toán NSĐP
Đề cập đến thực trạng công tác kiểm tra, đối chiếu thuế trong cuộc kiểm toán NSĐP, ông Hà Huy Hà - Trưởng phòng kiểm toán ngân sách 3, KTNN khu vực III - cho rằng, kết quả của việc kiểm tra đối chiếu thuế trong thời gian qua của KTNN khu vực III đã thực sự góp phần nâng cao kết quả kiểm toán của Đoàn kiểm toán thông qua việc tăng thu cho NSNN và xác lập được các bằng chứng xác đáng để Đoàn kiểm toán đưa ra các nhận xét, đánh giá và kiến nghị sát với tình hình thực tế.
Quang cảnh tọa đàm |
Tuy nhiên, quá trình thực hiện kiểm tra đối chiếu việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN của người nộp thuế trong cuộc kiểm toán NSĐP cũng còn gặp không ít khó khăn trở ngại từ nhiều phía như DN được chọn đối chiếu không hợp tác với KTNN; sự phối hợp không tốt từ phía cơ quan Thuế, bên cạnh đó là những khó khăn, tồn tại từ phía ngành KTNN như thời gian đối chiếu ngắn; biên bản đối chiếu với người nộp thuế hiện có tính pháp lý chưa cao, việc xử lý kết quả kiểm tra, đối chiếu chưa có sự thống nhất…
Trong công tác lập kế hoạch kiểm toán (KHKT), ông Phạm Hồng Thái - Phó trưởng phòng NSĐP, Vụ Tổng hợp - cũng chỉ ra một số hạn chế như: chưa thu thập được đầy đủ thông tin cần thiết làm cơ sở xác định nội dung, khoản mục trọng yếu. Tại một số KHKT, các thông tin số liệu của địa phương được Đoàn khảo sát thu thập từ đầu năm tuy nhiên đến thời điểm lập KHKT Đoàn chưa cập nhật và điều chỉnh số liệu cho chính xác.
Một số KHKT xác định nội dung, khoản mục trọng yếu tại cơ quan tài chính còn chung chung hoặc dàn trải; chưa phân tích đầy đủ thông tin và số liệu qua khảo sát để xác định nội dung, khoản mục trọng yếu cho phù hợp. Việc bố trí thời gian, nhân sự kiểm toán của Tổ kiểm toán tại cơ quan tài chính còn chưa căn cứ trên cơ sở nội dung, khoản mục trọng yếu đã xác định; một số KHKT chi tiết còn tập trung bố trí nhân lực và thời gian chủ yếu cho kiểm tra, đối chiếu việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí ngân sách mà chưa dành thời gian thỏa đáng cho công tác kiểm toán tổng hợp tại cơ quan tài chính.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đề cập đến một số hạn chế trong việc thu thập bằng chứng kiểm toán như chưa đầy đủ, chưa áp dụng đánh giá rủi ro trong quá trình thu thập bằng chứng kiểm toán. Việc đưa các đánh giá kiến nghị kiểm toán còn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ bằng chứng và chưa có sự nhất quán trong kiến nghị xử lý giữa các đơn vị kiểm toán…
Giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán NSĐP
Từ thực trạng công tác kiểm toán thu, chi NSNN đối với kiểm toán NSĐP, các ý kiến tại Tọa đàm đã đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng các cuộc kiểm toán NSĐP nói riêng cũng như các cuộc kiểm toán của KTNN nói chung.
Đó là, phải đổi mới và nâng cao chất lượng tất cả các khâu trong quy trình kiểm toán, đặc biệt là khâu xây dựng KHKT năm và xác định danh mục đầu mối kiểm toán năm sớm. Trong đó, phải đổi mới từ khâu đầu tư thời gian khảo sát thu thập thông tin, phân tích các thông tin để lập kế hoạch, xác định đầu mối kiểm toán cụ thể sớm; thiết lập cơ sở dữ liệu của các đầu mối và đơn vị kiểm toán ở NSĐP phục vụ công tác lập KHKT.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III Lê Thị Hồng Hạnh phát biểu tại Tọa đàm |
Cùng với đó là đổi mới và vận dụng sáng tạo các phương pháp kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán; tăng cường kiểm toán tổng hợp và kết hợp một cách nhuần nhuyễn, linh hoạt giữa kiểm toán tổng hợp và kiểm toán chi tiết. Đồng thời, sử dụng kết quả kiểm toán của các tổ kiểm toán trong cuộc kiểm toán nhằm sử dụng thông tin dữ liệu của nhau; phá bỏ tính khu lập giữa các tổ kiểm toán với nhau. Việc sáng tạo, linh hoạt trong thực hiện kiểm toán phải hướng đến chất lượng kiểm toán; tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Đặc biệt, trong quá trình kiểm toán, các Đoàn kiểm toán, kiểm toán viên cần nắm vững các văn bản pháp luật liên quan nhằm đảm bảo tính pháp lý của các bằng chứng kiểm toán; phối hợp tốt với địa phương, đơn vị kiểm toán, đặc biệt là trong vấn đề đối chiếu, kiểm tra, cung cấp tài liệu giải trình.
Để giải quyết các vướng mắc, chưa thống nhất, nhất quán trong toàn ngành, các vụ tham mưu cần ban hành các hướng dẫn và các quy định (các tình huống kiểm toán, hồ sơ mẫu biểu, vấn đề về pháp luật); sửa đổi các quy trình, quy định phù hợp với Luật KTNN sửa đổi; khẩn trương tổ chức tập huấn Luật trong toàn ngành; rút kinh nghiệm sau mỗi đợt kiểm toán…
Bế mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, 6 tham luận, 10 ý kiến trao đổi trực tiếp tại Tọa đàm đã đề cập đến rất nhiều nội dung quan trọng, cần thiết. Các ý kiến trao đổi hết sức sôi nổi, trách nhiệm, hiệu quả và đã làm rõ thêm nhiều vấn đề, vướng mắc của các đơn vị cũng như các giải pháp đặt ra.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước giao Vụ Tổng hợp chủ trì phối hợp với Vụ Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán, Vụ Pháp chế tổng hợp các vấn đề vướng mắc, các tình huống chưa thống nhất trong xử lý để tham mưu cho Tổng Kiểm toán Nhà nước các vấn đề hướng dẫn xử lý. Các bài tham luận, ý kiến trao đổi trực tiếp tại Tọa đàm cũng sẽ được tổng hợp để phổ biến trong toàn Ngành.
Theo kế hoạch, ngày 09/3, Tọa đàm cũng sẽ được tổ chức tại khu vực phía Nam.
Tin và ảnh: N. HỒNG- L. HÒA