EVFTA - song hành cơ hội và thách thức

Đầu tư - Ngày đăng : 22:23, 05/03/2020

(BKTO)- Sau nhiều nỗ lực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) chính thức được Nghị viện châu Âu thông qua và dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới, sẽ là cơ hội lớn tăng thêm thị phần cho các sản phẩm và DN Việt Nam vào thị trường châu Âu.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet.

   

Cơ hội lớn

Việc Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA đã đưa nước ta thành nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Đây là hiệp định có mức cam kết cao nhất Việt Nam từng ký kết, mở ra cơ hội to lớn cho thương mại và cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Hàm lượng nội địa và nguồn gốc xuất sứ nguyên, phụ liệu phải bảo đảm (hạt điều, đồ gỗ, dệt may, da giày…).

Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho ta trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay.

Nhận định về những cam kết này, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - cho rằng: Một số sản phẩm như dệt may, giày dép, nông hải sản được hưởng lợi nhiều nhất vì hiện nay thuế nhập khẩu khá cao sẽ đưa về 0% khi EVFTA có hiệu lực. Ví dụ, hàng dệt may đang phải chịu thuế từ 7-17%, khi thuế về 0% thì xuất khẩu của Việt Nam vào EU có thể tăng thêm 1,54 tỷ USD năm 2023 và 5,82 tỷ USD năm 2028 (so với không có EVFTA).

Rõ ràng, EVFTA là cơ hội và động lực lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Bởi EU là một thị trường đầy tiềm năng với trên 500 triệu dân và GDP khoảng 18 nghìn tỷ USD. EU cũng là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt trên 56 tỷ USD. Nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, EVFTA sẽ gia tăng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với khi chưa có Hiệp định. EVFTA cũng góp phần tăng thêm GDP của Việt Nam bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023, tăng dần trong giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh đó, theo nhiều chuyên gia, EVFTAlà điều kiện để nước ta tiếp cận thị trường hàng đầu thế giới xét cả về quy mô của thị trường và trình độ công nghệ, tiềm năng tài chính. Đây là khu vực thị trường có tiêu chuẩn rất cao, khi tiếp cận thị trường này, các DN và nền kinh tế của chúng ta có thể đạt những chuẩn mực cao nhất của thế giới trong thương mại đầu tư. Việc mở cánh cửa ra thị trường EU cũng giúp cho Việt Nam có được một cơ cấu xuất nhập khẩu, đầu tư, kinh tế tự chủ hơn, bớt lệ thuộc vào các thị trường truyền thống ở xung quanh.

Thách thức lớn

Bên cạnh cơ hội thì những thách thức đối với Việt Nam cũng rất lớn. Các chuyên gia kinh tế nhận định: Tuy ở cấp độ quốc gia, hay các ngành, lĩnh vực kinh tế, DN cụ thể đều đã có những nghiên cứu, tính toán, đánh giá khá toàn diện, nhận thức rõ ràng về những thách thức và cơ hội mà EVFTA đang mở ra. Dù chúng ta đã có kinh nghiệm thực thi 16 FTA nhưng đối với EU thì ngoài những nguyên tắc chung đã được ký kết trong EVFTA thì các quốc gia thành viên của EU có thể lại có những yêu cầu riêng, hàng rào kỹ thuật riêng. Ví dụ như thực phẩm biến đổi gen, chưa kể giữa cam kết và thực thi luôn có một khoảng cách nhất định.

Để có thể tận dụng hết những lợi thế của ngành trong xuất khẩu nông sản sang thị trường các nước EU, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương - nhấn mạnh: Các DN Việt Nam cần thay đổi tư duy kinh doanh, chủ động xây dựng kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn.Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với đối tác nước ngoài tham gia dây chuyền cung ứng toàn cầu.

Cũng chia sẻ về vấn đề này, ông Nicolas Audier – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) nhận định:Để có thể tận dụng cơ hội, tiềm năng của EVFTA, các DN Việt Nam cần phải nghiên cứu kỹ về thị trường các nước EU để có thể hiểu rõ thị trường mà họ muốn bán hàng hóa, sản phẩm, cung cấp dịch vụ của DN mình. Đơn cử, EU là thị trường có yêu cầu rất nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, các DN Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng như cà phê, hải sản, các loại hạt… nên tìm hiểu rõ các yêu cầu của thị trường EU để có thể xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường các nước EU. Để có thể hiểu được đặc tính của thị trường EU, ngoài việc các DN Việt tự tìm hiểu thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau, thì việc có quan hệ đối tác với các DN châu Âu có thể giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn. Vì vậy các DN Việt Nam cần tăng cường tiếp cận với các DN ở châu Âu và bắt đầu xây dựng cầu nối đó ngay từ bây giờ, trước khi EVFTA có hiệu lực.

Dù còn lường trước được nhiều thách thức phía trước, nhưng đa số các chuyên gia kinh tế đều khẳng định: Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm trong hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế, thực thi các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết và luôn nhận thức được cơ hội và thách thức luôn song hành. Vì thế, nếu có cách tiếp cận đúng đắn, giải pháp và lộ trình, bước đi phù hợp, chúng ta sẽ biến những thách thức từ EVFTA thành cơ hội nhân đôi cho sự phát triển cho đất nước...
NAM SƠN (tổng hợp)