Sớm tháo gỡ vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 10:50, 15/12/2016

(BKTO) - Bên cạnh các giải pháp bánnợ, cơ cấu lại khoản nợ…, xửlý tài sảnbảo đảm (TSBĐ) làgiải pháp quan trọng để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, quátrình xử lý TSBĐ của các ngân hàng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc.


Ngân hàng vẫn khó xử lý TSBĐ

Theo phản ánh của các ngân hàng, 90% nợ xấu hiện nay đều có TSBĐ. Thế nhưng, thu hồi nợ thông qua xử lý TSBĐ mới chỉ đạt gần 14 nghìn tỷ đồng. Hiện tại, các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thu giữ TSBĐ.

Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) từng chia sẻ, ngân hàng này đã mất cả năm để thu giữ, bán, sang tên, hạch toán thu nợ một số TSBĐ. Không ít trường hợp phiên đấu giá tài sản đã diễn ra từ năm 2013, nhưng đến nay, tài sản vẫn chưa được sang tên cho bên trúng đấu giá. Vướng mắc của Techcombank cũng là vướng mắc mà nhiều ngân hàng khác đang gặp phải.

Nguyên nhân của thực trạng trên một phần là do TCTD vẫn phải phụ thuộc và trông chờ vào sự hợp tác, ý chí chủ quan của bên giữ tài sản. Theo quy định tại Nghị định 163/2006/NĐ-CP của Chính phủ, bên giữ TSBĐ phải giao tài sản cho người xử lý tài sản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, một số chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, chây ì, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSBĐ để khởi kiện ra tòa làm kéo dài thời gian xử lý. Điều này cho thấy thực thi pháp luật về thu giữ TSBĐ vẫn chưa nghiêm.

Bên cạnh đó, việc TCTD chưa nhận được sự phối hợp của các cơ quan chức năng cũng là nguyên nhân khiến công tác thu giữ TSBĐ gặp nhiều khó khăn. Nghị định 53/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) chưa quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ đối với các cấp, các ngành trong việc thu giữ tài sản. Vì thế, khi triển khai việc thu giữ TSBĐ, cơ quan công an, UBND cấp xã chỉ tham gia giữ gìn an ninh trật tự, không có tính quyết định để buộc bên bảo đảm phải bàn giao tài sản cho ngân hàng.

Do thu giữ TSBĐ gặp nhiều khó khăn nên ngân hàng phải nhờ đến tòa án. Nhưng theo phản ánh của các ngân hàng, thủ tục tố tụng, thi hành án cũng không hề thuận lợi. Việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án hiện nay của các tòa án còn chưa thống nhất, chưa kể nhiều tòa án từ chối xử lý vụ án trong trường hợp bị đơn cố tình không có mặt theo triệu tập. Thời gian xử lý các vụ án thường kéo dài trong nhiều năm. Những rào cản này khiến các ngân hàng chưa thể xử lý dứt điểm nhiều khoản nợ xấu.

Việc thu giữ TSBĐ gặp nhiều rào cản khiến các TCTD chưa thể xử lý dứt điểm nợ xấu.Ảnh: TS
Bảo vệ quyền chủ nợ của TCTD

Để giải quyết triệt để nợ xấu, những nút thắt trong xử lý TSBĐ cần sớm được tháo gỡ. Một trong những vướng mắc hiện nay đó là chưa có một cơ chế, chế tài nào để xử lý đối với những trường hợp bên giữ tài sản có hành vi cản trở, chống đối các TCTD thu giữ TSBĐ. Bởi vậy, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) - kiến nghị: Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh đối với những khách hàng cố tình chây ì, không hợp tác, không bàn giao TSBĐ để phát mại.

Khoảng trống pháp lý đối với những con nợ chây ì đang khiến quyền xử lý TSBĐ của TCTD bị cản trở. Khẳng định thu giữ TSBĐ là quyền không thể thiếu của TCTD, bà Nguyễn Thị Hồng Hương - đại diện Vụ Pháp chế (Ngân hàng Nhà nước) - cho rằng: Khi xây dựng pháp luật, các nhà làm luật phải coi quyền xử lý TSBĐ là quyền đương nhiên của TCTD, vì trong quan hệ cho vay, chủ nợ mới là bên yếu thế.

Điều khiến giới luật gia cũng như các ngân hàng quan ngại khi xử lý nợ xấu là kể từ ngày 01/01/2017, Bộ luật Dân sự 2015 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo Bộ luật này, TCTD khi xử lý TSBĐ không được thực hiện thu giữ tài sản mà phải yêu cầu tòa án giải quyết. Điều này có thể sẽ tạo thêm rào cản đối với hoạt động xử lý TSBĐ nếu không có quy định cụ thể về thủ tục tố tụng rút gọn.

Như vậy, để tạo thuận lợi cho các vụ kiện, yêu cầu đặt ra đối với Tòa án nhân dân tối cao là cần nghiên cứu, xem xét ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thụ lý xét xử vắng mặt bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Cơ quan này cũng cần tổng kết các trường hợp tòa án áp dụng không thống nhất quy định của pháp luật để có hướng dẫn chung trong toàn ngành. Đặc biệt, pháp luật cần cho phép các cơ quan thi hành án được tổ chức cưỡng chế bàn giao TSBĐ cho bên trúng đấu giá khi hoàn tất việc đấu giá tài sản theo quy định.

Rõ ràng, tiến độ xử lý các khoản nợ xấu của ngân hàng có được đẩy nhanh hay không một phần phụ thuộc vào các quy định của pháp luật có liên quan đến xử lý TSBĐ. Theo kiến nghị của nhiều ngân hàng, những quy định này cần phải được nghiên cứu, rà soát tổng thể để bổ sung, chỉnh sửa theo hướng ưu tiên bảo vệ quyền lợi của chủ nợ thay vì con nợ; đồng thời đảm bảo tính đồng bộ, nâng cao hiệu lực trong thực thi pháp luật.

THÀNH ĐỨC