Nông thôn mới trên vùng đất cội nguồn cách mạng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:20, 28/04/2016
(BKTO) - Với suối Lê Nin, hang Cốc Bó, xã Trường Hà, huyệnHà Quảng (Cao Bằng) được coi là nơi khởi nguồn của cách mạng Việt Nam. Đã 71năm từ khi cuộc cách mạng tháng 8 vĩ đại của dân tộc thành công, miền đất anhhùng trong quá khứ tiếp tục là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới. Vớibản lĩnh kiên cường, quyết tâm vượt khó, Trường Hà hôm nay đã mang một diện mạomới của ấm no, trù phú, đầy sức sống và cũng là 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnhCao Bằng đạt chuẩn nông thôn mới...
Vượt khó “làm” nông thôn mới
Là mảnh đất có truyền thống cách mạng, nơi “cội núi nguồn sông”, nhưng trước khi xây dựng nông thôn mới, Trường Hà là xã khó khăn, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, việc huy động xã hội hóa chung tay xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Nhân dân trong xã có thu nhập bấp bênh, gần như 100% dựa vào nông nghiệp. Cùng với đó, nhân dân tại các xóm biên giới sống thưa thớt, khó khăn cho việc đảm bảo giữ gìn trật tự, quản lý bảo vệ đường biên cột mốc.
Với thuận lợi là mảnh đất cội nguồn cách mạng, nên Trường Hà thường xuyên nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, sự chung tay của các đơn vị, DN trong và ngoài tỉnh. Năm 2013, Trường Hà được bổ sung là xã điểm của tỉnh Cao Bằng trong xây dựng nông thôn mới, cộng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và nhân dân, cuối năm 2015, Trường Hà đã đạt đủ 19/19 tiêu chí, trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của Cao Bằng về đích nông thôn mới.
Nhiều hộ dân xã Trường Hà đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Theo lãnh đạo xã Trường Hà, từ năm 2011 đến nay, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng nông thôn mới của xã là gần 55 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách T.Ư là 28 tỷ đồng; các DN tài trợ hơn 26 tỷ đồng; nhân dân đóng góp trên 45 triệu đồng. Nhờ đó, 100% các trục đường xã, liên xã đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải; các trục đường ngõ xóm, đường nội đồng được cứng hóa sạch sẽ, thuận lợi cho sinh hoạt và sản xuất; trên 90% hệ thống kênh mương được kiên cố hóa; 70% các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bà xã đạt chuẩn quốc gia; cảnh quan đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, không có các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Xã cũng tổ chức thực hiện có hiệu quả 7 mô hình phát triển sản xuất với tổng kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng; tích cực vận động bà con chuyển dịch cơ cấu sản xuất từ chăn nuôi nhỏ sang các trang trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, các mô hình mang lại lợi nhuận từ 80 đến 120 triệu đồng/năm. Từ những cố gắng này, thu nhập bình quân đầu người không ngừng tăng lên. Nếu năm 2013 mới chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2015 đã tăng lên 18 triệu đồng/người/năm.
“Đạt đã khó, giữ còn khó hơn”
Trong căn nhà 3 tầng khang trang, ông Nông Văn Trường - thôn Nà Mạ, hồ hởi: “Đây, cây cầu qua suối này trước là cầu khỉ, nước lũ lên trôi liên tục, có năm bị trôi đến 4,5 lần. Mỗi đợt nhà mình bán lợn là phải nhờ người lội suối khiêng qua cho lái buôn. Có “nông thôn mới”, được xây cầu rồi đường bê tông, ô tô vào được tận sân nhà mình rồi”. Từ sự thay đổi này, gia đình mạnh dạn vay vốn với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đầu tư nuôi gà, vịt, bò, lợn, trồng thêm nhiều loại cây ăn quả… Nhờ vậy, từ năm 2010 đến nay, bình quân hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng.
Ở tuổi 71, chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử quê hương nhưng bà Đàm Thị Ngoại ở thôn Hoàng 1 vẫn không khỏi xúc động, ngỡ ngàng trước sự đổi thay mau lẹ của Trường Hà hôm nay. Với bà Ngoại, nông thôn mới hiện hình ngay ở con đường dẫn ra mảnh ruộng trồng ngô và cây thuốc lá của gia đình bà. Trước đây, đường ra ruộng chỉ là bờ
Tin vào đường lối của Đảng và yêu quý, gắn bó với mảnh đất quê hương cũng là cảm xúc chung của nhiều người con Trường Hà. Trong câu chuyện với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Đàm Văn Trường cũng nhiều lần bày tỏ niểm tự hào về quê hương mình. Với ông, nhân dân Trường Hà là những con người cần cù, chịu khó, đoàn kết, luôn có ý thức phát huy truyền thống quê hương cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. “Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài, khó khăn nhưng rất hợp lòng dân, do người dân nông thôn làm chủ thể. Vì vậy, mọi hoạt động phải dựa trên cơ sở nguyện vọng chính đáng của nhân dân, phát huy tinh thần dân chủ, phát huy cao nhất cộng đồng tránh nhiệm tham gia xây dựng nông thôn mới” – Chủ tịch xã Đàm Văn Trường nhấn mạnh.
Về những định hướng tiếp theo, Chủ tịch xã Đàm Văn Trường cho biết, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới đã khó, giữ được còn khó hơn. Với Trường Hà, vấn đề nan giải nhất hiện nay ngoài việc hoàn thiện nốt một số công trình xây dựng còn dở dang, là phải giữ được tiêu chí về thu nhập. Bởi theo quy định mới về chuẩn nghèo đa chiều, chắc chắn số hộ nghèo của Trường Hà sẽ tăng lên. Do đó, xã sẽ tiếp tục khuyến khích bà con mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vay vốn chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi quy mô lớn hơn để tăng thu nhập. Đồng thời, chú trọng đầu tư cho các khu di tích lịnh sử trên địa bàn xã để thu hút khách du lịch, tạo thêm công ăn việc làm phi nông nghiệp cho bà con.
Với một định hướng rõ ràng cộng với sự năng động, quyết tâm của đội ngũ lãnh đạo xã, chắc chắn Trường Hà sẽ ngày một khang trang, đẹp đẽ hơn, xứng đáng với truyền thống lịch sử vẻ vang của quê hương.
Bài và ảnh: TÙNG LONG