Nâng cao hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:20, 28/04/2016

(BKTO) - Tạiphiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thứ 47 diễn ra ngày 25/4, choý kiến về việc ban hành Nghị quyết về chế độ và các điều kiện bảo đảm hoạt độngcủa đại biểu HĐND, UBTVQH đã thảo luận và thống nhất không nâng mức hoạt độngphí đối với đại biểu HĐND các cấp, nhằm giảm áp lực khó khăn cho ngân sách và đảmbảo tương quan với mức phụ cấp trách nhiệm của các cơ quan khác.



Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Điện Biên kiểm tra thực địa rừng cao su tại xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo. Ảnh: TL

Giảm áp lực ngân sách

Tờ trình Chính phủ về mức hoạt động phí của đại biểu HĐND các cấp đưa ra hai phương án. Phương án 1: Giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự kiến quỹ hoạt động phí theo phương án 1 là 1.461,4 tỷ đồng/năm. Phương án 2: Tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở ở cả 3 cấp so với quy định tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11, cụ thể: 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp huyện; 0,6 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh. Dự kiến quỹ hoạt động phí chi cho đại biểu HĐND theo phương án 2 là 1.932,6 tỷ đồng/năm.

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, thực hiện phương án 2 thì mức hoạt động phí của đại biểu HĐND tăng lên sẽ động viên, khuyến khích đại biểu HĐND các cấp. Tuy nhiên, NSNN phải bố trí tăng thêm khoảng 471,2 tỷ đồng/năm và mức hoạt động phí của đại biểu HĐND sẽ phát sinh bất hợp lý (cao hơn) với mức phụ cấp trách nhiệm của cấp ủy viên. Do đó, để bảo đảm tương quan với mức phụ cấp trách nhiệm cấp ủy viên, Chính phủ đề nghị thực hiện theo phương án 1.

Từ góc độ cơ quan thẩm tra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội tán thành phương án 2 của Chính phủ vì cho rằng, mức hoạt động phí hiện hành đối với đại biểu HĐND còn thấp. Ngoài ra, do chế độ đã được ban hành hơn 10 năm nên mức hoạt động phí này không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, chưa thực sự khuyến khích đại biểu HĐND hoạt động tích cực. Tại phiên họp, một số ý kiến cũng tán thành quan điểm này song lại băn khoăn về vấn đề tăng chi ngân sách.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền lo ngại, nếu phải chi thêm 471,2 tỷ/năm thì ngân sách có đáp ứng được không? Khó khăn, tồn tại như thế nào? Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cũng bày tỏ quan điểm, trong điều kiện ngân sách khó khăn như hiện nay mà tăng thêm thì ngân sách càng khó khăn, thêm áp lực chi. Hơn nữa, với mức tăng không đáng kể như hiện nay sẽ không giải quyết được những vấn đề tồn tại trong quy định về chế độ đối với đại biểu HĐND.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến thì cho rằng chế độ, chính sách phải đảm bảo công khai minh bạch và tương đồng. Đồng ý ban hành Nghị quyết song trong điều kiện ngân sách khó khăn hiện nay thì việc tăng là rất khó khăn. Mặt khác, ông Chiến cũng băn khoăn khi cho rằng, tăng thêm 0,1 là không hợp lý vì khó đáp ứng được yêu cầu tình hình hiện nay và khuyến khích được hoạt động của HĐND.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND

Khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, vấn đề quan trọng khi ra Nghị quyết là phải làm rõ quan điểm: Nghị quyết này ra đời có đảm bảo được HĐND hoạt động hiệu quả hơn không, có khắc phục được những khó khăn, bất cập của HĐND hiện nay không?”.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu thực trạng lâu nay, trong xã hội cũng như trong hệ thống cán bộ, công chức đã tồn tại tâm lý không muốn về hoạt động tại HĐND, đặc biệt là không muốn về làm chuyên trách. Bà Nga đặt câu hỏi: “Trong đánh giá và trong chính sách của Chính phủ có phương án gì để xử lý vấn đề này không? Một trong những nguyên nhân người ta không muốn về là do chế độ chính sách, Chính phủ có biết việc này không và phương án xử lý như thế nào?”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhấn mạnh đến việc phải nâng cao hơn hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND mà biện pháp trước hết là con người, thứ hai mới là chính sách. “Vấn đề bố trí cán bộ là ai làm hội đồng, cứ cán bộ yếu rồi cho làm hội đồng, rồi làm hội đồng thì không có triển vọng phát triển nữa, đó mới là vấn đề chứ không phải việc tăng thêm 0,1 mức lương cơ sở. Cứ cán bộ không bố trí vào đâu được nữa mới đưa về làm hội đồng phải không?”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ Nội vụ phải tham mưu cho Chính phủ trong HĐND khóa tới phải chuẩn bị người có năng lực như thế nào để tạo sức hấp dẫn, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của HĐND.

Trên cơ sở các ý kiến phân tích, thảo luận tại phiên họp, UBTVQH đã biểu quyết nhất trí thông qua về mặt nguyên tắc dự thảo Nghị quyết quy định về chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu HĐND. Trên cơ sở đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý các ý kiến tại phiên họp. Riêng về mức hoạt động phí, UBTVQH thống nhất theo phương án 1 của Chính phủ, tức là giữ mức hoạt động phí hiện hành tại Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 gồm 3 mức: 0,3 mức lương cơ sở đối với cấp xã; 0,4 mức lương cơ sở đối với cấp huyện, 0,5 mức lương cơ sở đối với cấp tỉnh và sẽ xem xét, sửa đổi lại khi tổng rà soát lại các chế độ chính sách.

Sau khi hoàn thiện Nghị quyết sẽ được ban hành và có hiệu lực từ 01/7/2016.

NGUYỄN HỒNG