Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" cho thủy sản
Kinh tế - Ngày đăng : 08:25, 10/03/2020
(BKTO) - Theo dự kiến, cuối tháng 5 đầu tháng 6 tới, Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) sang Việt Nam kiểm tra lần thứ 3 về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Nếu kết quả kiểm tra trên thực tế không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì không những thủy sản Việt Nam không tháo gỡ được “thẻ vàng”, mà nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”. Tuy nhiên, đến nay, việc khắc phục cảnh báo của EC vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn phổ biến.
Khai thác cá ngừ đại dương. Ảnh: TTXVN
Còn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tháng 10/2017, EC đã cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu vì chưa tuân thủ các quy định IUU. Ngay sau khi EC cảnh cáo “thẻ vàng”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc T.Ư đã tập trung vào cuộc chỉ đạo đề ra các giải pháp để thực hiện các khuyến nghị của EC. Sau đó, qua 2 đợt kiểm tra (tháng 5/2018 và tháng 11/2019), Đoàn công tác của EC ghi nhận sự vào cuộc tích cực của Việt Nam từ T.Ư đến địa phương. Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đủ để EC quyết định rút “thẻ vàng”.
Bộ Bộ NN&PTNT cho biết, quá trình khắc phục cảnh báo của EC vẫn còn nhiều bất cập mà Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết. Đặc biệt, việc tàu cá của Việt Nam vẫn còn đánh bắt trái phép tại vùng biển nước ngoài, trong khi đây là mấu chốt quan trọng để EC tháo gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong năm 2019 xảy ra 138 vụ/220 tàu cá Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ, xử lý. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, tỉnh đã áp dụng những biện pháp mạnh đối với tàu thuyền và ngư dân vi phạm vùng biển nước khác như: thu giữ phương tiện, tước bằng thuyền trưởng và giấy phép hành nghề... Tuy nhiên, tình trạng tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn tiếp diễn.
Kiên Giang là tỉnh đi đầu trong cả nước triển khai lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trước khi Luật Thủy sản năm 2017 có hiệu lực, nhưng tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn phổ biến. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang Quảng Trọng Thao cho biết, không phải ngư dân không nhận thức mà là cố tình vi phạm vì lợi ích kinh tế. Thậm chí có trường hợp chủ tàu, thuyền trưởng khi ra khơi tháo thiết bị giám sát hành trình gắn sang tàu khác để dễ bề vi phạm, sau khi về bờ gắn lại để đối phó.
Cần sự quyết liệt từ các địa phương
Trước những vướng mắc, khó khăn về công tác quản lý tàu cá, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhấn mạnh, Luật Thủy sản quy định rõ việc xử lý, xử phạt các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; trong đó, căn cứ quan trọng để xử lý hành vi vi phạm này là dữ liệu trên thiết bị giám sát hành trình. Vì vậy, các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, nếu chủ phương tiện cố tình vi phạm thì kiên quyết xử lý theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, giải pháp mà tỉnh đang áp dụng là nếu tàu thuyền đăng ký tại Phú Yên mà không về Phú Yên trong vòng 6 tháng sẽ bị xóa tên đăng ký. Sau khi xóa, tỉnh sẽ thông báo cho các tỉnh khác để phối hợp kiểm tra, xử lý. Phú Yên cũng là địa phương đưa ra sáng kiến áp dụng giám sát hành trình tàu cá bằng thuê bao di động. UBND tỉnh đã chuẩn bị xong đề án hỗ trợ thuê bao để quản lý hành trình tàu cá, sắp tới sẽ trình HĐND tỉnh. Theo đề án này, tỉnh sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để quản lý tàu cá qua mạng di động từ vệ tinh vinasat nhằm giảm thiểu kinh phí lắp đặt thiết bị quản lý hành trình cho ngư dân.
Để sớm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương ven biển nỗ lực ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU, đặc biệt là ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài; đồng thời, tập trung khắc phục các vướng mắc trong công tác kiểm soát tàu cá ra, vào cảng, đảm bảo kiểm soát 100% sản lượng cập bến tại các cảng cá chỉ định để xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thu hồi 100% nhật ký khai thác của các tàu cá cập cảng để truy xuất nguồn gốc thuỷ sản khi xuất sang thị trường châu Âu. Đặc biệt, các Bộ, ngành liên quan và 28 tỉnh, thành ven biển phải nhanh chóng khắc phục các hạn chế, sẵn sàng đón Đoàn thanh tra EC đến kiểm tra tình hình chống khai thác IUU trong thời gian tới.
Sau 2 năm bị EC cảnh báo “thẻ vàng”, xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thị trường châu Âu đã giảm 6,5% và tiếp tục chững lại trong năm 2019. Từ vị trí thứ 2, thị trường châu Âu đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13% trong bản đồ xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Hiện các lô hàng hải sản của Việt Nam xuất sang châu Âu bị giữ lại kiểm tra 100% với thời gian khoảng 3 - 4 tuần/container. Ngoài chi phí kiểm tra nguồn gốc xuất xứ khoảng 500 Bảng Anh/container, DN còn phải chịu nhiều lệ phí cũng như mất uy tín với phía khách hàng do chậm giao sản phẩm. |
LÊ HÒA