Học đại trà qua truyền hình: Giải pháp tối ưu cho học sinh, sinh viên trong mùa dịch

Xã hội - Ngày đăng : 09:10, 10/03/2020

(BKTO) - Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 gây ra (Covid-19) vẫn đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác đào tạo trong năm học 2020-2021 được thực hiện ổn định, đáp ứng được yêu cầu, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (Hiệp hội) cho rằng, hình thức dạy học trên truyền hình được xem là giải pháp tối ưu nhất hiện nay.



Việc học trên truyền hình có thể áp dụng trong tình huống đột xuất. Ảnh: Minh Thái

Nghỉ học quá lâu sẽ tác động xấu đến giáo dụcvà xã hội

Dịch Covid-19 có tác động tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của quốc gia, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Thời gian qua, tồn tại sự tranh luận giữa hai quan điểm, quan điểm thứ nhất: không thể để học sinh, sinh viên cả nước phải tiếp tục nghỉ học khi mà tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã tạm ổn; quan điểm thứ hai: nên tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học, bởi tình hình dịch ở các nước láng giếng của ta vẫn đang ở đỉnh cao, thậm chí còn bùng phát mạnh mẽ, nguy cơ lây lan và dẫn tới bùng phát dịch ở Việt Nam sẽ rất lớn, đặc biệt khi các cơ sở giáo dục là nơi tập trung đông người nên khả năng lây lan lại càng cao.

Trước tình hình đó, Hiệp hội đã kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ thay thế giải pháp cho người học nghỉ học bằng giải pháp chủ động hơn trong mùa dịch là vẫn cho trường học tiếp tục hoạt động nhưng các trường phải chuyển qua phương thức học từ xa, trong đó, hình thức dạy học trên truyền hình được xem là biện pháp tối ưu. Để dư luận hiểu rõ về quan điểm trên, Hiệp hội khẳng định, dạy học trên truyền hình là biện pháp khi xảy ra thiên tai, dịch họa mà học sinh phải nghỉ học như hiện nay, chứ không đề nghị dùng hình thức học này để thay thế cho việc dạy học trực tiếp.

Chủ tịch Hiệp hội Trần Hồng Quân cho rằng, học sinh, sinh viên nghỉ học trong mùa dịch Covid-19 là cần thiết nhưng nếu kéo dài, hơn 20 triệu học sinh nghỉ học quá lâu sẽ tác động xấu đến nhiều mặt giáo dục và xã hội. Tốt nhất toàn xã hội cần chung sức với ngành giáo dục triển khai các giải pháp vĩ mô để chủ động đối phó với mọi diễn biến của dịch mà không chỉ thụ động cho học sinh, sinh viên nghỉ học chờ hết dịch. Hiện cả nước có hàng trăm kênh truyền hình từ T.Ư đến địa phương là lợi thế để triển khai dạy học trên truyền hình. Do đó, Nhà nước nên huy động các kênh truyền hình cùng tham gia vào hoạt động giảng dạy nhiều giờ trong ngày, thậm chí cả ngày theo phương thức phi lợi nhuận.

Theo ông Quân, khi các kênh truyền hình cùng tham gia, cần có quy định rõ ràng thời khóa biểu cho từng môn học đối với từng khối lớp, áp dụng chung thống nhất trên cả nước hoặc cho từng tỉnh, thành phố. Các sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) sẽ lựa chọn giáo viên bộ môn giỏi lên dạy trên truyền hình. Học sinh ở nhà học trực tuyến một mình hoặc học nhóm vài ba em, bên cạnh có phụ huynh quản lý theo dõi. Việc theo dõi, hướng dẫn đánh giá kết quả học tập của học sinh vẫn do đội ngũ giáo viên ở các trường đảm nhiệm.

Cần có thời gian trang bị kỹ năng dạy và học qua truyền hình

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, thời gian này là cơ hội để các trường suy nghĩ về việc triển khai đại trà dạy học trên truyền hình, chứ không chỉ trong các đợt thiên tai, dịch họa. Trong mấy ngày gần đây, đã có kênh truyền hình Vĩnh Long, Đồng Nai, Quảng Ninh, TP. HCM... ủng hộ và hưởng ứng dạy học qua kênh truyền hình, nhưng mới chỉ dạy cho lớp 9, lớp 12 và mới chỉ dạy theo hình thức ôn tập. Nếu có chủ trương và có sự đồng thuận của các sở GD&ĐT, các trường, đài truyền hình địa phương thì việc dạy học đại trà trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước, trước hết là học sinh phổ thông, sẽ không gặp khó khăn đáng kể nào. Do đó, ngành giáo dục nên mạnh dạn triển khai, khi kết quả học tập của học sinh có tiến triển tốt thì phương pháp này sẽ sớm được xã hội chấp nhận và phụ huynh ủng hộ.

Tuy vậy, khảo sát ý kiến của một số phụ huynh và nhiều giáo viên cho thấy, không phải ai cũng sẵn sàng tiếp nhận phương thức dạy học trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học hiện nay. Cô Lê Thị Ngọc Bích (giáo viên của một trường chuyên trên địa bàn Hà Nội) nhận định, việc học trên truyền hình có thể áp dụng trong tình huống đột xuất, còn nếu học đại trà thì chưa thực sự đem lại hiệu quả. Bởi vì, hình thức dạy này mới ở mức độ thấp, tức là ở mức độ truyền thông tin một chiều và việc học sinh học như thế nào, tiếp thu được hay không phụ thuộc vào sự tự giác của học sinh, tính hấp dẫn của bài học và cách giảng dạy của giáo viên, trong khi giáo viên truyền đạt qua truyền hình chỉ ở mức độ là để hệ thống lại kiến thức hoặc hướng dẫn học sinh ôn tập mà chưa dạy được các kiến thức mới.

Để dạy và học qua truyền hình đạt hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài vấn đề cơ sở hạ tầng, thiết bị công nghệ, cần phải có bài giảng, buổi phát sóng phù hợp. Mặt khác, đội ngũ giáo viên phải được tập huấn phương pháp giảng dạy trên truyền hình, từ kỹ năng đứng trước ống kính, giọng nói qua micro và sự tương tác với hệ thống. Hơn nữa, học sinh cũng cần có thời gian để tiếp cận và bồi dưỡng các kỹ năng cần có để theo kịp phương pháp học mới. Với đặc thù thông tin một chiều từ người dạy, nội dung thiếu phong phú, chưa có công cụ đo đếm hiệu quả, việc dạy học qua truyền hình xem ra vẫn chưa thể coi là hình thức thay thế được các lớp học truyền thống.

LÊ HÒA