Malaysia: Thất thoát hàng chục triệu USD tại Nafas
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 09:25, 10/03/2020
(BKTO) - Cuộc kiểm toán pháp lý đối với Tổ chức Nông dân Quốc gia Malaysia (Nafas) mới đây đã phát hiện nhiều sai phạm về tài chính và quản trị, dẫn đến việc thất thoát hơn 50 triệu Ringgit (12 triệu USD).
Sai phạm dưới thời lãnh đạotiền nhiệm
Ông Phahrolrazi Mohd Zawawi - Chủ tịch Nafas - cho biết, những phát hiện về sai phạm được một công ty kiểm toán quốc tế phanh phui liên quan đến thời của Ban Lãnh đạo tiền nhiệm. Ông Zawawi cũng cho biết thêm, trong số các sai phạm được chỉ ra, có phi vụ mua bán 40.000 tấn phân bón trong năm 2017 từ các nhà cung cấp bên ngoài mà không có hồ sơ, chứng từ nào được lập để chứng minh cho các thương vụ mua bán này.
Các kiểm toán viên cũng chỉ trích việc Nafas không tuân thủ các quy trình tiêu chuẩn trong quá trình lấy mẫu thử cho phòng thí nghiệm và khi giao nhận hàng tồn kho. Theo bản Báo cáo, chi phí mua bán trên rơi vào khoảng 70 triệu Ringgit và số phân bón được lưu giữ trong kho với chi phí thuê kho tới nay đã lên tới 6 triệu Ringgit. Theo ông Zawawi, số lượng phân bón lưu kho này cần phải được xử lý theo đúng quy cách kỹ thuật và điều này sẽ tiêu tốn từ 700 - 800 Ringgit/tấn.
Vào tháng 6/2018, Hiệp hội Nông dân nước này đã từng ban hành lệnh tạm đình chỉ công tác đối với 9 thành viên Ban Lãnh đạo của Nafas và Nafas cũng bị tạm dừng hoạt động từ ngày 01/6/2018. Quyết định này được đưa ra sau khi bản Báo cáo kiểm toán công bố ngày 26/3/2018 vạch ra những vấn đề nghiêm trọng về quản trị, đặc biệt là về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và năng lực dưới thời Ban Lãnh đạo tiền nhiệm.
Nhiều khoản mua sắmkhông rõ ràng
Một số sai phạm khác bị chỉ trích có liên quan đến vụ việc mua công trình trụ sở Nafas ở Kota Damansara, khiến Nafas thất thoát hơn 10 triệu Ringgit. Các kiểm toán viên cho hay, Nafas đã mua lại công trình này với mức giá 59,8 triệu Ringgit vào năm 2014 trong khi giá thầu ban đầu là 48,5 triệu Ringgit. Báo cáo cũng cho biết, Nafas mua lại một khu đất trồng cọ dầu tại Sarawak vào năm 2016 với giá 135 triệu Ringgit trong khi giá thị trường thực tế chỉ khoảng 120 triệu Ringgit.
Ngoài ra, nhiều khoản mua sắm của Nafas không có chứng từ hỗ trợ, bao gồm các khoản mua: phân bón sinh học (1,3 triệu Ringgit), sữa dê New Zealand (770.000 Ringgit), thuốc diệt cỏ (525.000 Ringgit), liềm (355.000 Ringgit), thuốc trừ sâu (3,5 triệu Ringgit)… ; hay một số hóa đơn thanh toán của Nafas được thực hiện với bên nhận không hợp lệ; nhiều hợp đồng mua sắm bất động sản được cho là có xung đột về mặt lợi ích.
Các kiểm toán viên cho biết, để đảm bảo tính tuân thủ và quản trị tốt tại Nafas, Ủy ban Phòng chống tham nhũng Malaysia (MACC) sẽ vào cuộc và làm việc với cơ quan này. Hiệp hội Nông dân Malaysia khẳng định sẽ sớm đưa ra quyết định xử lý với các trường hợp vi phạm liên quan.
Cuộc kiểm toán thu hút sự chú ý của cộng đồng giữa bối cảnh Chính phủ Malaysia đang dành nhiều sự tập trung hơn cho phát triển nông nghiệp nhằm hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp và gia tăng nguồn doanh thu từ các mặt hàng thuộc lĩnh vực này. Năm 2019, Malaysia đứng vị trí thứ 28 trên bảng xếp hạng các quốc gia có khả năng tự chủ về thực phẩm, tăng 20 bậc so với năm trước. Chính phủ Malaysia đang nỗ lực thực hiện một loạt các chính sách nhằm giảm sự phụ thuộc của quốc gia này vào hàng hóa nhập khẩu.
Trong thời gian tới, Chính phủ Malaysia đang hướng tới việc khuyến khích áp dụng rộng rãi các hình thức nông nghiệp sử dụng công nghệ cao và canh tác trong thành phố. Bên cạnh đó, các cơ quan phát triển nguồn đất liên bang đang cân nhắc việc thực hiện đa dạng hóa các loại cây trồng, bao gồm những loại cây trồng có giá trị cao như: cây vani, dứa và dưa gang…, ngoài cọ dừa và cao su.
Được biết, Malaysia hiện đang theo đuổi mục tiêu sớm đưa mạng không dây 5G vào sử dụng và hướng đến mục tiêu ứng dụng internet vào nông nghiệp, qua đó cho phép người nông dân có thể điều khiển các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi thường nhật thông qua một ứng dụng. Sáng kiến này cho phép những người nông dân Malaysia có thể nhận được những cảnh báo về sự thay đổi của thời tiết, từ đó góp phần đạt được năng suất mùa vụ cao nhất.
NGỌC QUỲNH