Nhạc sỹ Cát Vận: “Hát về thành phố tên vàng” trong ngày đại thắng

Xã hội - Ngày đăng : 05:20, 28/04/2016

(BKTO) - Là một trong số các tác giả có được những tác phẩm để đời trong cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, nhạc sỹ Cát Vận đã góp phần truyền cảm hứng chiến thắng tới nhiều thế hệ công chúng, nhân dân thông qua những sáng tác bất hủ, điển hình trong số đó là ca khúc “Hát về thành phố tên vàng”. Giờ đây đã ở tuổi 76, nhưng những kỷ niệm về lần đầu thu âm bài hát vẫn còn in đậm trong tâm trí nhạc sỹ.



Ở tuổi 76, nhạc sỹ Cát Vận vẫn đam mê sáng tác và cống hiến cho âm nhạc. Ảnh: PHỐ HIẾN
“Hát về thành phố tên vàng”

Cùng với “Như có Bác trong ngày đại thắng” của nhạc sỹ Phạm Tuyên, “Tiến về Sài Gòn”, “Giải phóng miền Nam” của cố nhạc sỹ Lưu Hữu Phước... “Hát về thành phố tên vàng” là một trong những nhạc phẩm làm nức lòng khán giả suốt những năm đầu sau giải phóng miền Nam (30/4/1975) cho đến nay.

Nói về hoàn cảnh sáng tác ca khúc, nhạc sỹ Cát Vận nhớ lại: Lúc đó tôi đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ngay sau khi nghe tin quân ta đã tiến vào Dinh Độc lập trưa ngày 30/4/1975, trong giờ phút xúc động đó, tôi đã đặt bút sáng tác và chỉ chưa đầy 1 ngày sau, ca khúc “Hát về thành phố tên vàng” đã ngân vang trên Đài Tiếng nói Việt Nam… “Cảm xúc lúc đó thật khó diễn tả hết được, tôi đã quyết định dùng điệu thức âm nhạc Nam bộ để viết nên bài hát ca ngợi thành phố mang tên Bác vừa được giải phóng. Dường như có một động lực nào đó khiến tôi hoàn thành bài hát rất nhanh”.

Ở tuổi 76, nhưng nhạc sỹ Cát Vận vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Khi chúng tôi hỏi chuyện những bài ca đi cùng năm tháng của ông viết về giải phóng miền Nam, vị nhạc sỹ như được sống lại quá khứ. Ông xúc động kể: “Tôi có 3 tác phẩm ra đời quanh thời điểm đó, nhưng khán giả vẫn ấn tượng hơn với “Hát về thành phố tên vàng”. Ngày đó, dù chưa được đặt chân đến Sài Gòn, nhưng sống trong khí thế hào hùng của ngày độc lập, hình ảnh thành phố ấy bỗng trở nên thân thương, gần gũi biết bao nhiêu và nơi ấy thôi thúc tôi phải làm điều gì đó thật ý nghĩa!”

Đặc biệt, cho đến hôm nay, những kỷ niệm về lần đầu thu âm bài hát vẫn còn in đậm trong lòng nhạc sỹ. “Hồi đó, không có máy in, ngay khi bài hát vừa viết xong, anh em nghệ sỹ tập trung lại, mỗi người chép tay một bản, người chép nhạc, người chỉ chép lời, các ca sỹ thì đứng ngay ở cửa phòng thu để hát nhẩm. Không khí gấp gáp, sôi động, hào hứng đúng như khí thế của những ngày đầu giải phóng. Dưới sự chỉ huy của Nhạc trưởng Cao Việt Bách và dàn hợp xướng Nhà hát Vũ kịch Việt Nam, bài hát đã được thu âm nhanh chóng và phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam ngay ngày hôm sau” - ông hồi tưởng.

Những bài ca đi cùng năm tháng

“Sài Gòn ta mang tên Bác vinh quang, trái tim người người đều rực sáng tên vàng, Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!...”. Điệp khúc ấy trong bài ca đã được đông đảo công chúng, nhân dân hát vang sau ngày đất nước thống nhất. Cùng với các bài hát ca ngợi chiến thắng thời điểm đó, “Hát về thành phố vàng” đã gây ấn tượng mạnh và được phổ biến rộng rãi, nhiều chương trình phát thanh, truyền hình, đơn vị nghệ thuật đưa bài hát vào các chương trình ca nhạc chào mừng chiến thắng lịch sử… khiến “Hát về thành phố tên vàng” trở thành bài ca đi cùng năm tháng.

Trong dư âm của niềm vui chiến thắng, cũng giống như nhiều nhạc sỹ đương thời, được sống trong không khí hào hùng của dân tộc nên mỗi ca từ, nhạc điệu của bài hát như hòa nhịp với tiếng nhạc trong tâm tưởng của nhạc sỹ. Bởi thế, với Cát Vận, bản thu âm hợp xướng ca khúc ngay khi ông vừa viết xong vẫn là “ưng” nhất, dù sau này, nhiều ca sỹ trình bày, có thể kỹ thuật giọng tốt hơn, điều kiện thu tốt hơn, vẫn không thể sánh bằng. “Chúng tôi sáng tác lấy cảm hứng từ chiến thắng, từ không khí hân hoan của nhân dân cả nước mừng chiến thắng và trả bài hát về với đúng không khí của nó, nên âm hưởng mới xúc động, thiêng liêng đến thế” - ông nói.

Nhạc sỹ chia sẻ: “Trong những ngày Chiến dịch Hồ Chí Minh, tất cả đồng bào, chiến sỹ khắp nơi đều hướng về Sài Gòn. Hồi đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là theo dõi sát sao bước tiến của quân giải phóng để tập trung sáng tác nhằm tuyên truyền, cổ vũ tinh thần quân và dân chiến đấu”. Sống trong khí thế đó, nhạc sỹ Cát Vận cũng hòa mình vào thời đại, ngoài ca khúc “Hát về thành phố tên vàng”, ông còn có hai ca khúc về Chiến dịch Hồ Chí Minh cũng rất nổi tiếng, đó là ca khúc “Chân dung dũng sĩ” viết trong những ngày đầu chiến dịch và bài “Đi dọc Việt Nam” viết sau giải phóng.

Thấm thoắt đã hơn 40 năm trôi qua, thế hệ nhạc sỹ như Cát Vận, Phạm Tuyên... nhiều người đã không còn, mỗi ký ức được các ông ghi lại, kể lại càng trở nên đáng quý, đáng trân trọng biết bao. Thông qua các ca khúc được sáng tác, mỗi người lại tìm thấy ở đó không khí hào hùng của cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước qua đó để hiểu, trân trọng và thêm quyết tâm gìn giữ những thành quả ấy. Với cá nhân nhạc sỹ Cát Vận, những ca khúc được ông sáng tác thời điểm đó chính là dấu mốc vàng son nhất trong sự nghiệp sáng tác mà bản thân ông không bao giờ quên.
NGUYỄN LỘC (ghi)