Bộ trưởng Bộ Công Thương: Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ động, tích cực
Đối nội - Ngày đăng : 10:35, 11/03/2020
(BKTO) - Trả lời phóng viên báo chí trong và ngoài nước tại buổi họp báo tối ngày 10/3 sau khi hết thúc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM Retreat) lần thứ 26, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ASEAN khẳng định trên cương vị nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thể hiện vai trò rất chủ động, tích cực từ công tác chuẩn bị đến đưa ra các sáng kiến ưu tiên về kinh tế ASEAN 2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời báo chí tối ngày 10/3 sau khi hết thúc Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Theo Bộ trưởng, trong bối cảnh thế giới, ASEAN và Việt Nam đang đối mặt với các khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Hội nghị AEM Retreat lần thứ 26 chịu tác động, ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh này. Dù vậy, trong khoảng thời gian rất ngắn, Việt Nam đã chủ động cùng các nước trong ASEAN cũng như Ban Thư ký ASEAN hoàn tất công tác chuẩn bị bảo đảm các biện pháp phòng chống dịch cũng như môi trường an toàn chung cho tất cả đại biểu các nước ASEAN tham gia Hội nghị.
Tại Hội nghị, Việt Nam đã đưa ra 13 sáng kiến ưu tiên trong lĩnh vực kinh tế của ASEAN năm 2020. Những sáng kiến và nội dung triển khai lần này rất sâu rộng, hoàn toàn phù hợp với định hướng, vai trò chiến lược của ASEAN.
Những nội dung chuyên môn này được phía Việt Nam, mà cụ thể Bộ Công Thương chủ trì làm đầu mối, phối hợp với các bên liên quan, thông qua Ban Thư ký nhằm có được những phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các nước ASEAN để những sáng kiến này của Việt Nam không những đáp ứng được nhu cầu, quan điểm của Việt Nam mà trở thành sáng kiến chung của ASEAN, đáp ứng được nhu cầu phát triển của ASEAN trong thời gian tới.
“Những sáng kiến và những nội dung của Hội nghị AEM lần này đi đúng vào thực chất, giúp cho ASEAN đạt được 3 mục tiêu quan trọng, quan trọng nhất là bảo đảm được khả năng thích ứng và ứng phó của ASEAN trong bối cảnh diễn biến rất mới và rất nhanh của toàn cầu ở tất cả các khía cạnh từ thương mại, kinh tế cho đến dịch bệnh”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm, những sáng kiến Việt Nam đưa ra và được các thành viên ASEAN thông qua sẽ giúp ASEAN không chỉ có khả năng ứng phó và có những biện pháp hành động tập thể để đạt được mục tiêu của mỗi nước, mục tiêu chung của ASEAN, mà còn góp phần duy trì ASEAN như là một trung tâm kết nối, tạo dựng những khung phù hợp, hiệu quả trong khung khổ hợp tác của các nước trong khu vực ASEAN với các đối tác khác trên thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, New Zeland, Australia, Canada….
Đại biểu các nước thành viên ASEAN cho biết rất yên tâm về công tác bảo đảm an toàn cho các đại biểu dự Hội nghị lần này - Ảnh: VGP/Lưu Hương
Các đại biểu ASEAN "yên tâm" về công tác phòng chống dịch của Việt NamÔng Suresh Kaliyana Sundram, đại biểu đoàn quan chức kinh tế Malaysia cho biết công tác chuẩn bị hội nghị lần này của Việt Nam rất tốt.
“Tại Hội nghị, hệ thống kiểm tra an ninh, đo thân nhiệt và các hướng dẫn phòng dịch rất hữu ích, giúp kiểm soát và bảo đảm an toàn cho các đại biểu. Tôi cảm thấy an toàn và thoải mái khi ở đây”, ông Suresh Kaliyana Sundram nói.
Tương đồng với ý kiến trên, theo ông Maspiyono, thành viên Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ABAC), ngay khi đến sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM), ông cũng như tất cả mọi du khách đều đã được kiểm tra y tế, đo thân nhiệt và được cung cấp lịch trình di chuyển rất chi tiết.
“Khi tới TP. Đà Nẵng tham dự Hội nghị, tôi tiếp tục được kiểm tra sức khỏe tại khách sạn và thêm một lần kiểm tra nữa trước khi vào tham gia Hội nghị. Điều này là cần thiết. Tôi thấy công tác bảo đảm an toàn cho các đại biểu dự Hội nghị ASEAN lần này rất nghiêm ngặt và tôi rất yên tâm về điều đó”, ông Maspiyono chia sẻ.
Trước đó, tại Hội nghị Quan chức cấp cao trù bị (Prep-SOM), bà Nor Zelina Momin, Bộ Tài chính và Kinh tế Brunei đánh giá và nhất trí cao với những sáng kiến của đoàn Việt Nam, tiếp tục thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng kinh tế chung ASEAN đến năm 2025, đặc biệt là thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, tạo nền tảng để các nước ASEAN gắn kết chặt chẽ với nhau hơn, ứng phó tốt hơn với các tác động bên ngoài.
Còn bà Donna Glutom, thành viên đoàn quan chức Indonesia đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm ứng phó với các thách thức của thời kỳ mới, ví dụ như dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp trên toàn cầu.
Theobaochinhphu.vn