Niềm tin đã trở lại

Xã hội - Ngày đăng : 05:20, 28/04/2016

(BKTO) - Vụ án hình sự về hành vi “kinh doanh trái phép” gây chấn động dư luận vừa khép lại với một cái kết có hậu, trực tiếp là với ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê “Xin chào” tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM khi các quyết định đình chỉ điều tra vụ án, phục hồi các quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Tấn từ ngày 23/4 được ban hành.



Các quyết định phục hồi quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê “Xin chào” đã được ban hành. Ảnh: TK
Khởi nguồn của câu chuyện khiến cho ông Tấn suýt vướng vòng lao lý là sự việc ông mở quán cà phê đối diện Công an huyện Bình Chánh. Công an huyện nhiều lần kiểm tra xử lý vi phạm hành chính, sau đó khởi tố chủ quán về hành vi “kinh doanh trái phép”.

Trong khi đó, những vi phạm của ông Tấn, sau này được Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bình Chánh xác nhận: “Ngành nghề kinh doanh mà ông Tấn đăng ký, pháp luật quy định không cần giấy phép riêng theo Điều 159 Bộ luật Hình sự và không bắt buộc phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc Công an huyện Bình Chánh hai lần kiểm tra đều xác định ông Tấn vi phạm kinh doanh chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm và kinh doanh không có giấy phép riêng để khởi tố ông Tấn về tội kinh doanh trái phép là không có căn cứ”.

Quy định pháp luật là tường minh, chỉ có người thực thi cố tình làm trái và điều này đã được đại diện Công an TP. HCM thừa nhận mới đây, đó là sai sót trong quá trình điều tra! Kết quả, trưởng Công an huyện Bình Chánh cùng một số cán bộ có liên quan đã bị tạm đình chỉ công tác để điều tra làm rõ vụ việc.

Còn quá nhiều nghi vấn đặt ra xung quanh vụ việc, song có điều rõ ràng là những sai phạm vừa qua của các cơ quan thực thi công vụ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ông Tấn và có tác động xã hội to lớn. Hàng nghìn hộ kinh doanh cá thể giống như ông Tấn sẽ mất ăn mất ngủ vì lo lắng, môi trường kinh doanh bị ảnh hưởng, quyền tự do cơ bản của công dân bị đe dọa...

Dưới góc nhìn pháp luật, sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng đã góp phần minh oan cho người vô tội, người đại diện cho cơ quan pháp luật thực thi sai sẽ bị xử lý nghiêm minh cho thấy sự đề cao tính thượng tôn pháp luật Nhà nước. Nhưng để sự việc diễn tiến đến mức độ như trên cũng cho thấy trách nhiệm của những người thực thi công vụ, những cơ quan giám sát địa phương đang rất... có vấn đề.


Dưới góc nhìn của nhà đầu tư, sự việc trên, dù đã được can thiệp kịp thời, song cũng làm hình ảnh môi trường đầu tư ở TP.HCM nói riêng bị méo mó ít nhiều. Nhiều nhà kinh doanh sẽ phải cân nhắc trước khi dự tính đầu tư vào một môi trường vốn có tiền lệ thiếu tính an toàn. Nói như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà: Nếu ông chủ quán cà phê thua sẽ là thông điệp xấu cho thấy mọi người kinh doanh có thể bị đi tù! May mắn là ông Tấn đã được giải cứu kịp thời.

Nhưng liệu có bao nhiêu người như ông, được đích thân người đứng đầu Chính phủ và nhiều cơ quan Trung ương quan tâm, can thiệp “tháo ngòi nổ”? Số đó chắc sẽ không nhiều và sự can thiệp này không thể đảm bảo rằng giải quyết được tận gốc của vấn đề, khi mà ý thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ thực thi công vụ còn yếu kém.

Một tin vui với cộng đồng DN, đó là cuối tháng 4 này, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị với DN, trong đó đề ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất cho DN; giải quyết các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN... Chưa rõ sự việc “nhỏ như móng tay” của chủ quán cà phê “Xin chào” có được đưa tới Hội nghị hay không, nhưng hẳn là các DN, vốn đã phải chịu nhiều sức ép từ kinh doanh sẽ không bao giờ muốn vướng vòng lao lý chỉ vì những sai sót nhỏ nhặt bỗng nhiên bị hình sự hóa như thế. Và dĩ nhiên, trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chính là phải hành động quyết liệt, thiết thực để xây dựng môi trường đầu tư thật lành mạnh, an toàn ngay cả với các hộ kinh doanh cá thể hay các DN có vốn đầu tư nước ngoài.
NGUYỄN VŨ