Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi): Phải khắc phục được những bất cập về kỷ luật ngân sách

Đối nội - Ngày đăng : 08:15, 04/06/2015

(BKTO) - Với mục tiêu là làm thế nào để quản lý tốt NSNN, khắc phục những tồn tại, bất cập trong kỷ luật, kỷ cương thu, chi ngân sách, tại phiên thảo luận về Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi), sáng ngày 02/6, Quốc hội (QH) đã có nhiều ý kiến đề cập tới nhiều vấn đề, đặc biệt là các quy định liên quan đến quy trình ngân sách, nguyên tắc cân đối NSNN, công khai NSNN…



ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang): Cần có một chương riêng quy định về kế toán, kiểm toán trong Luật NSNN (sửa đổi). Ảnh: ST
Đảm bảo thực quyềnquyết định ngân sách

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu (ĐB) QH kỳ vọng, Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi) sẽ khắc phục được tính hình thức, đảm bảo thực quyền của QH, HĐND trong quyết định ngân sách.

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu Dự thảo Luật NSNN (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị để tránh hình thức, đảm bảo thực hiện quyền của QH, cần quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp: Tại kỳ họp giữa năm, QH sẽ quyết định khung ngân sách, tổng thu, tổng chi, bội chi, cơ cấu thu, cơ cấu chi, định hướng ưu tiên nhiệm vụ chi trong một số ngành, một số lĩnh vực. Trên cơ sở đó, tại kỳ họp cuối năm, Chính phủ báo cáo về dự toán thu, chi chính thức và phương án phân bổ cụ thể ngân sách Trung ương cũng như dự toán NSNN để QH xem xét, quyết định. Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, quy trình làm dự toán ngân sách qua 2 kỳ họp là chưa thật phù hợp trong tình hình hiện nay, vì vậy, xin QH cho giữ như quy trình hiện hành.

Tuy nhiên, Báo cáo giải trình tiếp thu Dự thảo Luật chưa thuyết phục được các ĐB. Bảo vệ quan điểm QH cần quyết định ngân sách qua 2 kỳ họp, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng, quyền quan trọng nhất của QH là quyền quyết định ngân sách. Nếu QH thực sự muốn kiểm soát ngân sách thì trong Luật NSNN và kể cả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vấn đề QH đặt ra khoản thu, chi là thẩm quyền lập pháp, không có ủy quyền lập pháp, nghĩa là QH quyết định tất cả, không có ủy nhiệm. ĐB Lịch đề nghị QH phải dành 10% quỹ thời gian của 2 kỳ họp trong năm để bàn ngân sách đến nơi đến chốn thì mới kiểm soát được, còn nếu như hiện nay thì không bao giờ khắc phục được tính hình thức.

Ý kiến trên nhận được sự đồng tình của nhiều ĐB. Theo ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam), muốn khắc phục tính hình thức, bảo đảm được thực quyền của QH, để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong việc quyết định ngân sách thì phải “siết” quy trình làm ngân sách. ĐB Minh đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật quy định: dự toán ngân sách hàng năm phải được thảo luận cho ý kiến tại Hội nghị ĐB chuyên trách, trước kỳ họp cuối năm của QH. Đồng thời, bổ sung quy định QH xem xét, báo cáo việc thực hiện dự toán NSNN của năm trước vào kỳ họp đầu năm sau để kịp thời điều chỉnh, xem xét, khắc phục tình trạng quyết toán ngân sách theo kiểu “trót tiêu rồi thì buộc phải thông qua”.

Cũng với quan điểm trên, các ĐB Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu), Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng kỳ vọng Luật NSNN (sửa đổi) sẽ có những quy định nhằm cải tiến quy trình lập ngân sách, đảm bảo thực quyền của QH, HĐND đối với NSNN.

Ngăn chặn vi phạm về kỷ luật ngân sách

Trước những vi phạm về kỷ luật ngân sách ngày càng nghiêm trọng, việc ngăn chặn các vi phạm này để nâng cao hiệu quả quản lý NSNN cũng được nhiều ĐB đặt ra tại phiên thảo luận.

Về vấn đề Luật NSNN (sửa đổi) có ngăn chặn được tình trạng chi vượt dự toán lớn, ĐB Bùi Đức Thụ cho rằng, quy định như Dự thảo Luật mới chỉ góp phần hạn chế được tình trạng đó. Theo phân tích của ĐB, Dự thảo Luật vẫn cho phép chuyển nguồn ngân sách sang năm sau; được ứng trước dự toán năm sau để bổ sung vào dự toán chi và có khống chế không vượt quá 20% số lượng chi xây dựng cơ bản; cho phép trong trường hợp cần thiết thì Chính phủ được sử dụng dự trữ tài chính và mức sử dụng dự trữ tài chính nâng từ tối đa 30% lên 70%. Như vậy nếu sử dụng những nguồn này thì sẽ dẫn đến thực chi theo quy định của pháp luật sẽ vượt quá so với dự toán chi mà QH đã duyệt.

ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) bày tỏ lo lắng, báo cáo kiểm toán ngân sách hàng năm đều cho thấy một hạn chế cố hữu, đó là kỷ cương, kỷ luật tài chính không nghiêm, vi phạm ở hầu hết các khâu, từ lập, chấp hành và quyết toán ngân sách, xảy ra ở tất cả các đơn vị được kiểm toán. Tình trạng chi tiêu lãng phí, tùy tiện không giảm. ĐB Huệ đề nghị, sửa đổi Luật lần này cần có các điều khoản để khắc phục những tồn tại trên, trong đó cần bổ sung nguyên tắc khoán chi trong quản lý NSNN. Cùng với đó, Bộ Tài chính cần xác định mức trần được giao dự toán tối đa cho các đơn vị quản lý hành chính nhằm đảm bảo sự thống nhất về chi tiêu ngân sách trong cả nước, tránh tùy tiện.

Theo ĐB Võ Thị Hồng Thoại, Dự thảo Luật cần có quy định để kiểm soát được vấn đề quyết toán ngân sách, tránh tình trạng bội chi so với quyết định của QH, của HĐND, khắc phục ngay tình trạng chi trùng chéo, đảm bảo được nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách. Nếu cứ để tình trạng này xảy ra thì rõ ràng chúng ta không chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính, kiến nghị của KTNN cũng sẽ vô hiệu.

Quy định về cho phép bố trí các khoản vay mới để trả nợ gốc đến hạn cũng khiến nhiều ĐB quan tâm. Không đồng tình với quy định này, ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) phân tích: Mục đích vay là để đầu tư phát triển, tức là đầu tư để tạo ra thu nhập tăng thêm về ngân sách, nguồn thu ngân sách đó phải có một khoản dư nên khi trả nợ thì phải lấy ngay nguồn thu tạo ra từ khoản vay đó để trả nợ, tức là lấy từ nguồn thu ngân sách để trả nợ. Nếu quy định lấy khoản vay mới để trả nợ gốc khi đến hạn thì rất đáng lo ngại, sẽ tạo ra một cơ chế là chủ thể đi vay ít để ý đến hiệu quả của nguồn vốn vay, ít phải chịu áp lực về vốn vay. Như vậy dẫn đến vay tùy tiện, ngân sách nợ nần triền miên và không bao giờ cân đối được ngân sách, không bao giờ thoát khỏi nợ nần. Theo ý kiến của ĐB Trương Thị Huệ, trong điều kiện nợ công hiện nay, nếu cứ đến hạn trả nợ gốc lại đi vay mới để chi trả thì rất khó khăn, dẫn đến không buộc phải tiết kiệm ngân sách để trả nợ.

Coi đây là một “bước lùi”, ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) thẳng thắn cho rằng: Không nên quy định lấy khoản vay mới để trả nợ gốc đến hạn mà nên kế thừa quy định của Luật hiện hành. Nếu thu không đủ chi, trông chờ ở khoản vay để chi thì làm sao ổn định vững chắc về kinh tế vĩ mô được?

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang): Cần có một chương riêng quy định về kế toán, kiểm toán trong Luật NSNN (sửa đổi)
Công tác hạch toán, kế toán và thống kê NSNN, quỹ ngân sách, ngân quỹ Nhà nước cần được quan tâm quán triệt và chế tài trong suốt cả quy trình ngân sách, từ lập dự toán ngân sách đến chấp hành ngân sách, quyết toán ngân sách. Do vậy, không nên kết cấu nội dung kế toán, kiểm toán trong cùng một chương với quyết toán ngân sách, bởi lẽ kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách là 2 nội dung hoàn toàn khác nhau. Quyết toán ngân sách là công việc, nội dung của quy trình ngân sách. Còn kế toán, kiểm toán là công cụ quản lý ngân sách, là phương thức để kiểm kê, kiểm soát tài chính Nhà nước, tài chính quốc gia. Từ lý do trên, tôi đề nghị tách nội dung kế toán, kiểm toán thành một chương riêng.

NGUYỄN HỒNG