Nghị định mới về kinh doanh vận tải: Hướng đi nào cho xe công nghệ?

Đầu tư - Ngày đăng : 08:15, 16/03/2020

(BKTO) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định dừng kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Theo đó, các hãng như Grab, Bee… sẽ phải chọn lựa một hình thức phù hợp theo quy định tại Nghị định số 10/2020/NĐ-CP (Nghị định 10), thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.



Nghị định 10 ra đời và chính thức có hiệu lực sẽ phù hợp với nhu cầu giao thông, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải.Ảnh: Phạm Tuân

Tạo sự cạnh tranh lành mạnhgiữa các loại hình vận tải

Với việc dừng thí điểm, mô hình taxi công nghệ đã chính danh khi hoạt động theo quy định mới từ ngày 01/4, không còn bị giới hạn địa bàn ở 5 địa phương thí điểm mà có thể mở rộng ra các địa phương trong cả nước. Đề cập đến những điểm mới trong việc phân biệt và quản lý giữa xe taxi và xe công nghệ hoạt động như taxi theo Nghị định 10, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, theo quy định tại Điều 35 Nghị định 10, đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải thì phải chấp hành các quy định theo pháp luật về giao dịch điện tử, các pháp luật khác có liên quan và phải đáp ứng một số yêu cầu theo Nghị định này.

Trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải có thực hiện một trong các công đoạn của hoạt động vận tải như trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải nhằm mục đích sinh lợi thì phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. “Tóm lại, dù loại hình nào, dùng tên nào thì cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật, không phân biệt tên theo mục đích gì, phải đúng theo quy định hoạt động và quy định về kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc dừng thí điểm sẽ giúp hoạt động của xe công nghệ quy chuẩn hơn và loại hình vận tải này được công nhận chính thức chứ không chỉ ở mức thí điểm như trước đây. Bởi vì, xe công nghệ là loại hình mới tại thị trường Việt Nam, do đó cần có quy định cụ thể để quản lý theo môi trường kinh doanh của thị trường. Nghị định 10 ra đời và chính thức có hiệu lực sẽ phù hợp với nhu cầu giao thông, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình vận tải. Đặc biệt, taxi truyền thống và xe công nghệ sẽ bước vào một sân chơi sòng phẳng. Đây có thể coi là hành lang pháp lý giải quyết mọi “bất hòa” giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, cũng sẽ là hồi kết cho vụ kiện dai dẳng giữa Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn GrabTaxi Việt Nam (Grab) kéo dài từ năm 2017 đến nay.

Không ảnh hưởng đến việckinh doanh của xe công nghệ

Theo đánh giá bước đầu, Nghị định 10 đã quy định rõ ràng và chi tiết hơn về loại hình kinh doanh taxi, kinh doanh xe hợp đồng và đơn vị chỉ cung cấp ứng dụng kết nối vận tải, điều này sẽ tác động lớn đối với các DN sử dụng công nghệ, phải lựa chọn mô hình, từ đó thay đổi quy trình hợp tác, quy trình cung cấp dịch vụ, thay đổi ứng dụng để tuân thủ các quy định mới. Đối với khách hàng sử dụng dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ được bảo vệ quyền lợi tốt hơn do các tài xế kinh doanh bằng xe cá nhân trước đây sẽ phải thay đổi, bổ sung phù hiệu theo quy định mới, lựa chọn các đơn vị kinh doanh vận tải và ứng dụng kết nối phù hợp, đáp ứng đủ các điều kiện…

Nhiều hãng xe công nghệ cho rằng, quyết định dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng không làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của DN. Theo đại diện Grab tại Việt Nam, quyết định này là một hoạt động bình thường của cơ quan quản lý nhà nước và không ảnh hưởng gì đến hoạt động của Grab trên thị trường. Việc dừng thí điểm là để Nghị định 10 có hiệu lực, điều đó giúp các DN vận tải khác “rộng cửa” hơn và được công nhận chính thức, thay vì cứ phải mang danh thí điểm. Như vậy, khách hàng và đối tác tài xế cũng sẽ không bị ảnh hưởng ở thời điểm hiện tại. Hiện nay, Grab đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để triển khai các quy định của Nghị định mới một cách nghiêm túc, đúng pháp luật.

Trong khi đó, đánh giá về các quy định trong Nghị định mới, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng nêu một số băn khoăn. Theo đó, việc cho phép các cá nhân được tham gia kinh doanh vận tải là điều chưa có tiền lệ và cần phải xem xét thấu đáo. DN vận tải hoạt động theo giấy phép, pháp luật và có hợp đồng ràng buộc với từng lái xe, ngoài ra còn tập huấn, đào tào về nghiệp vụ, kỹ năng cho lái xe…; với hình thức kinh doanh cá nhân liệu có được các nội dung này. Thêm vào đó, tuy taxi truyền thống thực hiện nhiều nghĩa vụ, tuân thủ pháp luật nhưng khi đến các khu vực đón, trả khách công cộng thường không có hoặc ít các điểm dừng đỗ để tiếp cận các sảnh đón trả khách, trong khi đó xe hợp đồng lại vào được. Hơn nữa, khi lưu thông trên đường phải tuân thủ các biển cấm xe kinh doanh vận tải, còn xe công nghệ, hợp đồng thì không. Để công bằng, cơ quan quản lý cần phải có chính sách đồng bộ, tránh bất bình đẳng như hiện nay.

LÊ HÒA