Thị trường tài chính tiếp tục lao dốc
Đầu tư - Ngày đăng : 22:25, 16/03/2020
(BKTO) - Thị trường tài chính thế giới phiên đầu tuần tiếp tục có những phản ứng tiêu cực sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đột ngột hạ lãi suất về 0% và bơm 700 tỉ USD vì Covid-19.
Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ tại Sàn Giao dịch chứng khoán New York - Nguồn: AP |
Phản ứng tiêu cực
Có thể nói, mọi thông tin trong thời gian qua đều cho thấy sự bất thường và dấu hiệu của căng thẳng lớn chưa từng có trên thị trường chứng khoán của hầu hết các quốc gia. Nhu cầu tích trữ tiền mặt của giới DN, ngân hàng và các nhà đầu tư tăng cao do lo ngại về hậu quả của Covid-19 đã khiến thanh khoản của các thị trường chứng khoán cạn kiệt.
Trong cuộc họp chính sách bất thường hôm Chủ nhật 15/3 theo giờ Mỹ (tức sáng sớm 16/3 giờ Việt Nam), Fed quyết định hạ lãi suất điều hành từ khoảng mục tiêu 1-1,25% xuống còn 0-0,25%, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Fed cũng hạ lãi suất cho vay chiết khấu khẩn cấp từ 1,5% còn 0,25% và công bố chương trình nới lỏng định lượng với quy mô khổng lồ 700 tỉ USD. Ngay lập tức, thị trường châu Á mở cửa phiên đầu tuần 16/3, giá dầu và chứng khoán đã phản ứng tiêu cực với thông tin này.
Giá dầu tiếp tục lao dốc, kéo dài chuỗi giảm giá kể từ giữa tuần rồi. Dầu quy chuẩn Brent rớt thêm 2 USD/thùng ngay lúc thị trường mở cửa, hiện còn 32,02 USD/thùng. Dầu thô WTI cũng giảm gần 2 USD/thùng, còn 30,20 USD/thùng,
Ở thị trường chứng khoán, hầu hết các thị trường chính ở khu vực châu Á đều đỏ sàn. Cổ phiếu ASX200 của Úc giảm mạnh nhất khu vực khi rớt gần 8% trong phiên đầu tuần. Làn sóng bán tháo lan rộng ra khu vực Trung Quốc đại lục và Hong Kong khi chỉ số Hang Seng mở đầu tuần rớt 2,19%; Shanghai và Shenzen cũng lần lượt mất 0,55% và hơn 1% giá trị.
Chỉ số KOSPI trên sàn giao dịch Nam Hàn ghi nhận tiêu cực khi rớt hơn 1,23%; STI của Singapore và Nifty50 của sàn chứng khoán Ấn Độ bị thổi bay lần lượt 3,19% và 5,72%. Điểm sáng duy nhất có thể kể đến là từ Nikkei 225 của Nhật Bản khi biến động liên tục nhưng hiện đã phục hồi sau khi giảm 0,2% vào thời điểm mở cửa.
Còn ở thị trường vàng, giá vàng thế giới cũng đã tăng thêm khoảng 24 USD/oz, lên 1.540 USD/oz sau một tuần lao dốc mạnh mẽ nhất trong vòng ba năm qua, khi giảm từ quanh mức 1.700 USD về 1.530 USD/oz, mất gần 200 USD.
Trên thị trường tiền tệ, động thái giảm lãi suất của Fed khiến đồng bạc xanh yếu đi, giảm khoảng 0,62% giá trị và hiện còn 98,13 điểm, kéo theo 4 cặp tỷ giá hối đoái giữa đô-la Mỹ và 7 đồng tiền khác trong rổ tiền tệ giảm.
Đồng nhân dân tệ được sự hỗ trợ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục hạ giá và vượt mốc 7 CNY đổi 1USD hồi cuối tháng 2. Trong khoảng hai tuần qua, tỷ giá nhân dân tệ với đô la Mỹ duy trì ở mức 6,8-6,9 CNY/USD.
VN- Index giảm gần 14 điểm
Ở Việt Nam, sau 3 phiên liên tiếp giảm, giá vàng trong nước đầu tuần tăng trung bình 400.000 đồng lượng. Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết 46,1 triệu đồng mua vào và 47 triệu đồng/lượng bán ra. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tuần trước, giá vàng đã giảm khoảng 1 triệu đồng mỗi lượng.
Về xăng dầu, liên bộ Tài chính và Công thương cũng công bố giảm giá xăng dầu từ chiều qua 15/3. Đồng thời trích lập quỹ bình ổn giá để đảm bảo giá xăng dầu ở mức hợp lý và có dư địa điều hành giá trong tương lai. Cụ thể, xăng E5 RON92 đã giảm 2.290 đồng/lít và xăng RON95-III giảm 2.315 đồng/lít; các loại dầu hoả, dầu diesel, dầu mazut giảm từ 1.300-1.800 đồng/lít.
Xu hướng tiêu cực tiếp tục chiếm ưu thế ở thị trường chứng khoán.Mặc dù phiên sáng, thị trường sụt giảm lúc đầu nhưng hồi phục mạnh về sau, tuy nhiên càng về cuối phiên càng đuối.
Kết phiên 16/3, VN-Index giảm 13,92 điểm (1,83%) xuống 747,86 điểm; HNX- Index giảm 1,74% xuống 99,62 điểm; UPCoM-Index giảm 0,67% xuống 50,15 điểm. Thị trường bị sắc đỏ chi phối với 387 mã giảm giá so với 304 mã tăng giá, còn lại 127 mã đứng giá tham chiếu.
Thanh khoản thị trường giảm so với những phiên cuối tuần trước nhưng vẫn giữ ở mức cao. Khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 360,2 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 5.382 tỉ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận trên HOSE chiếm 1.448 tỉ đồng.
Hàng loạt cổ phiếu bluechips giảm sâu, trong đó PNJ, VPB, SBT giảm sàn. Các cổ phiếu ngân hàng CTG, BID, HDB, VCB cũng mất hơn 5%. Trong khi đó, họ Vingroup hồi phục đáng kể về cuối phiên khi VIC đóng cửa tại giá tham chiếu; VHM và VRE còn giảm 0,3% và 2,1%.
Họ FLC duy trì sự khởi sắc đến hết phiên với ART, HAI, AMD, KLF tăng kịch trần. Các cổ phiếu nhóm Viettel VGI, VTK, VTP, CTR và nhóm cao su, cảng biển, thép cũng ghi nhận sắc xanh.
Các cổ phiếu penny nhóm bất động sản giao dịch sôi động, hàng loạt mã tăng kịch trần như C4G, L14, L35, IDJ, QCG, NTL, VRC, trong đó cổ phiếu QCG tăng trần 13 phiên liên tiếp.
Còn tại thị trường tiền tệ, sau khoảng một tuần hạ tỷ giá trung tâm, sáng 16/3 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam niêm yết tỷ giá tiền đồng và đô-la Mỹ ở 23.222 VND/USD, tăng 10 đồng so với cuối tuần rồi- và là mức cao nhất của tỷ giá trung tâm tính từ đầu tháng 3.
NAM SƠN (tổng hợp)