Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình, tỉnh Bình Định - Kỳ 1: Tiết kiệm kinh phí đầu tư qua đấu thầu

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:30, 04/06/2015

(BKTO) - Với mục đích đầu tư nhằm phát triển hệ thống thủy lợi để phát triển nông nghiệp, đảm bảo tưới ổn định cho 28.000 ha đất canh tác vùng phía Nam của tỉnh Bình Định; cấp nước cho dân sinh và các ngành kinh tế khác trong khu vực, hạn chế tác hại của lũ, kết hợp phát điện và nuôi trồng thủy sản, theo kết quả kiểm toán của KTNN, Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình, tỉnh Bình Định đã mang lại hiệu quả to lớn; đặc biệt, trong quá trình thi công, việc tiết kiệm kinh phí đầu tư qua công tác đấu thầu đã làm tăng hiệu quả kinh tế của Dự án.



Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình đã cơ bản tuân thủ các quy định về quản lý và đầu tư xây dựng. Ảnh: T.S

Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình, tỉnh Bình Định có tổng mức đầu tư 2.567 tỷ 282 triệu đồng, với quy mô đầu tư gồm 2 hợp phần là: Công trình đầu mối Hồ chứa nước Định Bình, có nhiệm vụ đa mục tiêu là chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn, giảm nhẹ lũ chính vụ cho dân sinh; cùng với hợp phần khu tưới Văn Phong cấp nước tưới cho nông nghiệp, cho công nghiệp, thủy sản, nông thôn, dân sinh, chăn nuôi; kết hợp phát điện công suất N = 6600KW. Hợp phần khu tưới có nhiệm vụ giải quyết yêu cầu nước tưới cho nông nghiệp, dân sinh và các ngành kinh tế; cải thiện đời sống nhân dân, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị - xã hội và quốc phòng trong khu vực.

Kết quả kiểm toán cho thấy, việc chấp hành chế độ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình của Dự án đã cơ bản tuân thủ theo các quy định về quản lý và đầu tư xây dựng. Cụ thể, công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt Dự án có quy mô đầu tư phù hợp (gồm 2 hợp phần) với quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Côn được duyệt và đáp ứng được mục tiêu chính đề ra là làm giảm hạn hán, lũ lụt, phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế khác trong khu vực. Chất lượng hồ sơ khảo sát, lập dự án cơ bản đảm bảo tuân thủ theo các quy định về quản lý chất lượng và khảo sát xây dựng; trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt và nội dung báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án đầu tư, dự án đầu tư điều chỉnh được thực hiện tuân thủ theo quy định. Việc điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư của Dự án trong quá trình triển khai thực hiện phù hợp với quy định hiện hành và mục tiêu của Dự án. Công tác báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện đầy đủ. Cùng với đó, công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán cơ bản tuân thủ theo các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng; các giải pháp thiết kế nhìn chung phù hợp, đảm bảo chất lượng theo quy định; phương pháp lập dự toán công trình cơ bản phù hợp.

Đặc biệt, Báo cáo kiểm toán đã ghi nhận việc tiết kiệm kinh phí đầu tư qua công tác đấu thầu của Dự án. Cụ thể, Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình là dự án nhóm A có quy mô lớn, tính chất kỹ thuật phức tạp, là công trình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng công nghệ bê tông mới (bê tông đầm lăn) nên Thủ tướng Chính phủ đã cho phép áp dụng hình thức lựa chọn tổng thầu xây dựng. Việc áp dụng hình thức này là phù hợp với quy định về bổ sung Quy chế đấu thầu. Các nhà thầu tham gia liên danh đều đáp ứng đủ các điều kiện về năng lực và kinh nghiệm để thực hiện thi công công trình đầu mối thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình.

Ngoài các công trình đầu mối được áp dụng hình thức chỉ định tổng thầu xây dựng, đối với các nội dung còn lại, việc lựa chọn nhà thầu thông qua các hình thức chỉ định thầu và đấu thầu rộng rãi cạnh tranh trong nước. Nhìn chung trình tự, thủ tục trong công tác lựa chọn nhà thầu được thực hiện cơ bản phù hợp quy định và đảm bảo được tính cạnh tranh trong đấu thầu.

Theo đánh giá của KTNN, thông qua công tác lựa chọn nhà thầu, Dự án đã đảm bảo được tính tiết kiệm. Cụ thể, trong quyết định chỉ định tổng thầu xây dựng và chỉ định thầu đã quy định tỷ lệ tiết kiệm giảm 2% so với giá trị dự toán (xây dựng + thiết bị) được duyệt của các hạng mục công trình thuộc công trình đầu mối Hồ chứa nước Định Bình và công trình Đập dâng Văn Phong đã góp phần tiết kiệm được chi phí đầu tư 15,1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, qua kết quả đấu thầu các gói thầu thuộc các hệ thống kênh tưới, hợp phần Khu tưới, hầu hết các gói thầu có giá trúng thầu thấp hơn dự toán được duyệt, giúp tiết kiệm chi phí đầu tư 3,7 tỷ đồng (hệ thống kênh tưới Văn Phong giảm 1 tỷ 992 triệu đồng; hệ thống kênh Vĩnh Thạnh giảm 1 tỷ 050 triệu đồng; hệ thống kênh Vĩnh Hiệp giảm 666 triệu đồng). Việc tiết kiệm chi phí đầu tư đã tác động tích cực đến tính kinh tế của Dự án.

Đánh giá từ góc độ quản lý chất lượng thi công công trình, kết quả kiểm toán cho thấy, công tác quản lý chất lượng thi công công trình của Dự án đã cơ bản tuân thủ các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng. Công tác tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng, giám sát chất lượng thi công công trình của chủ đầu tư, giám sát tác giả của nhà thầu thiết kế xây dựng được thực hiện cơ bản đầy đủ đúng trình tự quy định. Nhờ đó, công trình đầu mối Hồ chứa nước Định Bình đã được Thường trực Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật và được Bộ Xây dựng tặng Cúp Vàng chất lượng năm 2010.

(Kỳ sau đăng tiếp)
ĐĂNG KHOA