Bắt buộc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế sau năm 2025

Đối nội - Ngày đăng : 21:55, 17/03/2020

(BKTO)- Bộ Tài chính vừa ban hành Đề án Áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính (IFRS) tại Việt Nam. Theo đó, sau năm 2025, các DN sẽ phải bắt buộc áp dụng Chuẩn mực này.


Việc ban hành Đề án nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tài chính, kế toán, tạo dựng công cụ quản lý hiệu lực, hiệu quả cho công tác quản trị, điều hành tại DN cũng như việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng nhà nước trong giai đoạn mới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đồng thời, việc ban hành Đề án còn góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu quả của các thông tin tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của DN, bảo vệ môi trường kinh doanh, bảo vệ lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy hội nhập của nền kinh tế Việt Nam với khu vực và thế giới.

                
   

Từ năm 2025, VFRS sẽ được áp dụng đối với tất cả DN hoạt động tại Việt Nam, trừ đối tượng áp dụng IFRS và DN siêu nhỏ

   

Đề án gồm 2 nội dung: Xây dựng phương án, lộ trình và công bố, hỗ trợ áp dụng IFRS tại Việt Nam cho từng nhóm đối tượng, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm nâng cao tính minh bạch, trung thực của báo cáo tài chính, nâng cao trách nhiệm giải trình của DN đối với người sử dụng báo cáo tài chính; Ban hành mới và tổ chức thực hiện hệ thống Chuẩn mực báo cáo tài chính Việt Nam (VFRS) theo nguyên tắc tiếp thu tối đa thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam và nhu cầu của DN, đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.

Lộ trình triển khai Đề án gồm các giai đoạn: Giai đoạn chuẩn bị (2020-2021): Đến trước tháng 12/2020, hoàn thành bản dịch IFRS sang tiếng Việt; đến trước tháng 3/2021, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với công bố bản dịch. Đến trước 15/11/2021, ban hành văn bản quy phạm pháp luật về cách thức áp dụng IFRS và một số cơ chế tài chính liên quan đến áp dụng IFRS. Trong giai đoạn này, đồng thời thực hiện đào tạo nhân lực và triển khai cho các DN.

Giai đoạn 1, áp dụng tự nguyện (2022-2025): Áp dụng cho các DN có nhu cầu và đủ nguồn lực, bao gồm các DN lập báo cáo tài chính hợp nhất là công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước quy mô lớn hoặc có khoản vay được tài trợ bởi các định chế tài chính quốc tế, công ty mẹ niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn chưa niêm yết... DN lập báo cáo tài chính riêng là DN có 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là công ty con của công ty mẹ ở nước ngoài.

Giai đoạn 2, áp dụng bắt buộc (sau năm 2025). Trong giai đoạn này, đối với báo cáo tài chính hợp nhất, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm bắt buộc áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất cho từng nhóm DN thuộc các đối tượng cụ thể như:

Công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước; công ty mẹ là công ty niêm yết; công ty đại chúng quy mô lớn là công ty mẹ chưa niêm yết; công ty mẹ quy mô khác.

Các công ty mẹ khác không thuộc đối tượng bắt buộc áp dụng nêu trên có nhu cầu và đủ nguồn lực, thông báo cho Bộ Tài chính trước khi tự nguyện áp dụng IFRS để lập báo cáo tài chính hợp nhất.

Đối với báo cáo tài chính riêng, trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện áp dụng IFRS của giai đoạn 1, Bộ Tài chính căn cứ nhu cầu, khả năng sẵn sàng của các DN, pháp luật có liên quan và tình hình thực tế, quy định phương án, thời điểm áp dụng bắt buộc hoặc áp dụng tự nguyện IFRS để lập báo cáo tài chính riêng cho từng nhóm đối tượng, đảm bảo tính hiệu quả và khả thi.

Đề án cũng quy định giai đoạn chuẩn bị phương án xây dựng, ban hành và áp dụng VFRS (2020-2024). Theo đó, từ năm 2025, VFRS sẽ được triển khai áp dụng đối với tất cả DN thuộc mọi lĩnh vực, thành phần kinh tế hoạt động tại Việt Nam, trừ đối tượng áp dụng IFRS, DN siêu nhỏ. Trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính thường xuyên rà soát lại VFRS, cập nhật những thay đổi của IFRS để đảm bảo VFRS phù hợp ở mức độ cao nhất với thông lệ quốc tế.

THÙY ANH