Đến 15/3, Việt Nam xuất khẩu đạt trên 50,3 tỷ USD

Đầu tư - Ngày đăng : 16:13, 19/03/2020

(BKTO)- Theo thống kê, từ đầu năm đến 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 50,3 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ 2019; nhập khẩu đạt hơn 47,55 tỷ USD, tăng gần 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, từ đầu năm đến nay, nước ta đang xuất siêu trên 2,7 tỷ USD.


                
   

Trong "bão" dịch Covid-19, lũy kế từ đầu năm đến 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu nước ta vẫn tăng khoảng 7% so với cùng kỳ 2019 - Ảnh minh họa: TTXVN

   

Nửa đầu tháng 3, xuất nhập khẩu đạt hơn 21 tỷ USD

Số liệu sơ bộ được Tổng cục Hải quan công bố chiều 18/3 cho thấy, 15 ngày đầu tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 21 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 11,2 tỷ USD, nhập khẩu đạt 10,3 tỷ USD.

Như vậy, nửa đầu tháng này nước ta tiếp tục xuất siêu gần 1 tỷ USD. Từ đầu năm đến 15/3, nước ta đang xuất siêu trên 2,7 tỷ USD.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/3, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 50,3 tỷ USD, tăng khoảng 7% so với cùng kỳ 2019, tương đương kim ngạch tăng hơn 3 tỷ USD.

Trong khi đó, nhập khẩu đạt hơn 47,55 tỷ USD, tăng gần 1,9%, tương đương khoảng 900 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, dù đang thời kỳ đại dịch Covid-19 nhưng kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu nửa đầu tháng 3 không có nhiều biến động so với nửa cuối tháng 2 trước đó hoặc cùng kỳ tháng 3/2019. Thậm chí kim ngạch nhập khẩu trong nửa đầu tháng 3 còn tăng mạnh hơn tới 15,3% so với nửa cuối tháng 2.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu nửa cuối tháng 2/2020 lần lượt là: 11,28 tỷ USD, 8,93 tỷ USD và 15 ngày đầu tháng 3/2019 là 11 tỷ USD, 10,45 tỷ USD.

Đến nay, nhiều nhóm hàng xuất khẩu, nhập khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, cả 2 lĩnh vực đều xuất hiện nhóm hàng “chục tỷ USD”.

Đối với xuất khẩu, điện thoại và linh kiện tiếp tục duy trì vị thế số 1 với kim ngạch hơn 10,2 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở lĩnh vực nhập khẩu, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng có kim ngạch lớn nhất đạt 11,03 tỷ USD, tăng trên 15% so với cùng kỳ 2019.

Như vậy, có thể thấy, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang giúp hoạt động kinh tế đối ngoại này duy trì được sự ổn định trong thời kỳ nhiều khó khăn của dịch bệnh trên thời thế giới.

Nhập khẩu hơn 4.500 ô tô, gần 25.300 tấn thịt lợn

Cũng theo thông tin Tổng cục Hải quan, sản lượng ô tô nhập khẩu trong 15 ngày đầu tháng 3 đạt 4.571 xe, tổng kim ngạch hơn 93 triệu USD.Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống có số lượng nhiều nhất với 3.151 xe, tổng kim ngạch gần 55,7 triệu USD. Đứng thứ hai là ô tô tải với 1.246 xe, tổng kim ngạch hơn 29 triệu USD. Kết quả nhập khẩu nửa đầu tháng 3 giảm hơn 1.000 xe so với nửa cuối tháng 2 trước đó.

Lũy kế từ đầu năm đến 15/3, cả nước nhập khẩu 19.097 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch 426,7 triệu USD.

Kết quả nhập khẩu ô tô từ đầu năm đến nay có sự đóng góp nhiều nhất trong tháng 2 vừa qua khi số lượng nhập khẩu hơn 10.000 xe gấp hơn 2 lần kết quả nhập khẩu trong cả tháng 1/2020.

Cụ thể, trong tháng 2, cả nước nhập khẩu 10.261 chiếc, tổng kim ngạch 222 triệu USD. Ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 2 chủ yếu có xuất xứ từ 2 thị trường chính là Thái Lan với 6.271 chiếc và Indonesia với 3.416 chiếc.

Với sản phẩm thịt lợn, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/3, thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu đạt gần 25.300 tấn, tăng 205% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn từ Canada tăng 29%, Đức trên 19%, Ba Lan 12%, Brazil 12%, Hoa Kỳ 5,5%.

Bên cạnh đó, thịt trâu, bò và sản phẩm thịt trâu, bò nhập khẩu cũng tăng khá. Thịt bò đạt hơn 14.160 tấn, tăng 217% so với cùng kỳ năm 2019; thịt trâu 19.356 tấn, tăng 128%. Thịt trâu nhập khẩu 100% từ Ấn Độ; thịt bò nhập khẩu chủ yếu từ Australia, Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Canada, Đan Mạch...

Thịt gia cầm và sản phẩm thịt gia cầm nhập khẩu đạt hơn 48.300 tấn; tăng 86% so với cùng kỳ năm 2019. Các sản phẩm này chủ yếu nhập khẩu từ Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Brazil, Ba Lan, Tây Ban Nha...

Ngoài ra, nhập khẩu thịt dê, cừu và sản phẩm thịt dê, cừu cũng đạt hơn 72 tấn, tăng so với cùng kỳ năm 2019.
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)