Gia nhập TPP & AEC - Thời cơ và thách thức đối với kế toán, kiểm toán Việt Nam
Kiểm toán - Kế toán - Ngày đăng : 10:00, 24/12/2015
(BKTO) - Sáng ngày 18/12, tại Hà Nội, Hiệp hội Kếtoán công chứng Anh (ACCA) phối hợp cùng Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam(VAA) tổ chức Hội thảo “Gia nhập TPP & AEC - Thời cơ và thách thức đối vớikế toán, kiểm toán Việt Nam” nhằm cung cấp những thông tin tổng quát về Hiệp địnhđối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), phân tíchtác động của hội nhập đối với những ngành nghề chịu ảnh hưởng chính cũng như thờicơ, thách thức với ngành nghề kế toán, kiểm toán, tài chính... tại Việt Nam.
Các diễn giả tại Hội thảo
Ông Đặng Thái Hùng nhận định: “Đối với lĩnh vực kế toán, kiểm toán, hội nhập mang đến cơ hội nhiều hơn thách thức; làm thay đổi tích cực về mặt thể chế, hệ thống pháp luật, chuẩn mực pháp lý, đáp ứng tốt yêu cầu khi các tổ chức kế toán, kiểm toán quốc tế vào hoạt động tại Việt Nam, giúp cho các tổ chức nghề nghiệp trong nước học tập kinh nghiệm... Tuy nhiên, hiện lực lượng kế toán, kiểm toán viên Việt Nam khá mỏng, ước tính mới có khoảng 5.000 người, chỉ chiếm 2% trong tổng lực lượng của 10 quốc gia ASEAN”.
Trong khi đó, nghề tài chính, kế toán ngày càng có vai trò quan trọng. Những năm qua, Bộ Tài chính đã quan tâm và chú trọng xây dựng cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán tại Việt Nam. Tuy nhiên, hội nhập đòi hỏi nguồn nhân lực tài chính, kế toán phải chuyên nghiệp hơn bao giờ hết. Do đó, trong thời gian tới, cần phải có kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo chuyên nghiệp để nâng cao cả về lượng và chất của các kế toán, kiểm toán viên.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam khẳng định: “Theo các cam kết quốc tế, Việt Nam sẽ mở cửa lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính vào năm 2020. Thực tế, AEC là thị trường dịch vụ tự do, cho phép tự do di chuyển thể nhân, lao động chuyên nghiệp và thừa nhận chứng chỉ hành nghề... Đây là thời cơ lớn và thuận lợi để kế toán, kiểm toán Việt Nam hội nhập sâu hơn vào môi trường quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn với Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực để có thể đáp ứng và cạnh tranh”.
Theo thỏa thuận công nhận lẫn nhau giữa các nước ASEAN, kế toán là một trong 8 ngành nghề đầu tiên được di chuyển tự do sau thời điểm thành lập Cộng đồng ASEAN vào ngày 31/12/2015. Để được hoạt động xuyên biên giới, các kế toán, kiểm toán viên Việt Nam đã được cấp chứng chỉ hành nghề kế toán, kiểm toán của Việt Nam (CPA) cần được nâng cấp lên chứng chỉ kiểm toán viên ASEAN (ACPA). Khi đó, người có chứng chỉ ACPA sẽ đủ điều kiện hành nghề ở tất cả các nước ASEAN không phải xin phép hay thi sát hạch, chỉ cần đăng ký hành nghề theo quy định của nước đó.
Để các Hiệp định, thỏa thuận quốc tế và Luật Kế toán (sửa đổi) được thực hiện thành công, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, yêu cầu đặt ra với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, các đơn vị liên quan cũng như sự chung sức của các Hiệp hội ngành nghề là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hướng dẫn cộng đồng DN thực hiện đồng bộ các cam kết. Tại Hội thảo, đại diện của ACCA cam kết sẽ đồng hành với các Hội nghề nghiệp, các cơ quan có thẩm quyền, chuyên gia kế toán, kiểm toán, tài chính và các đối tác khác ở Việt Nam nhằm nâng cao hiểu biết, vượt qua thử thách và nắm lấy cơ hội mà TPP và AEC mang lại cho Việt Nam.
Kiến nghị giải pháp ở tầm vĩ mô, đại diện của Bộ Công thương nhấn mạnh, Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo thông lệ quốc tế, dưới góc độ tiếp cận phát triển DN nhằm phát huy vai trò kiến tạo của Nhà nước trong phát triển và tăng trưởng kinh tế; tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước theo hướng tạo điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình DN.
Bên cạnh nỗ lực của cơ quan Nhà nước, ông Đặng Văn Thanh khuyến nghị: Các tổ chức nghề nghiệp, DN và những người hành nghề kế toán, kiểm toán cần nhanh chóng thích nghi với môi trường mới, khi tính cạnh tranh trên thị trường kế toán, kiểm toán ngày càng gay gắt, cần thay đổi nhằm đáp ứng yêu cầu, coi trọng hoàn thiện các phẩm chất về tính chuyên nghiệp và trách nhiệm xã hội, về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp… Hơn nữa, cần chủ động chuẩn bị nhân lực, năng lực hành nghề nhằm hạn chế tối thiểu những tổn thất cho nền kinh tế.
Bài và ảnh: THANH XUYÊN