Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để hỗ trợ tăng trưởng

Đối nội - Ngày đăng : 08:25, 23/03/2020

(BKTO) - Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Để đẩy nhanh tiến độ này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ, đặc biệt là sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm, có quy mô lớn.



2 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Thái Anh
Giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn còn thấp

Bộ Tài chính cho biết, đến hết ngày 29/02, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương là 34.749,9 tỷ đồng, đạt 7,38% kế hoạch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, chỉ tiêu này chỉ đạt 3,89% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,52% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện một phần là nhờ sự nỗ lực của các địa phương. Tại Hưng Yên, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Tỉnh cho biết, đến hết tháng 02, số giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 569,7 tỷ đồng/3.086,9 tỷ đồng, đạt 18,5% kế hoạch. Bên cạnh đó, đến ngày 06/3, KBNN Lào Cai đã giải ngân được gần 644 tỷ đồng, đạt 13% kế hoạch.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 2 tháng đầu năm của cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm 2019 song vẫn còn thấp. Nguyên nhân là do 2 tháng qua, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại, phân bổ kế hoạch, nhập dự toán chi cho các dự án được bố trí và ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đơn cử, tại Yên Bái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các hoạt động xây dựng trên địa bàn diễn ra muộn và cầm chừng, vì vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 02/2020 chỉ đạt hơn 252 tỷ đồng, giảm 7,7% so với tháng trước.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) rà soát, tổng hợp số vốn chưa đủ điều kiện giao kế hoạch năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương, báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho các Bộ, ngành và địa phương làm căn cứ giao kế hoạch vốn năm 2020.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị các Bộ, ngành T.Ư và địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với dự án dự kiến sử dụng từ nguồn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách T.Ư giai đoạn 2016-2020 gửi Bộ KH&ĐT để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; nhập dự toán được phân bổ trên Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), làm thủ tục mở mã số TABMIS cho các dự án khởi công mới; tích cực tháo gỡ khó khăn trong việc lập hồ sơ, thẩm định thiết kế kỹ thuật thi công, mời thầu, đấu thầu, giải phóng mặt bằng; kiên quyết điều chỉnh kịp thời kế hoạch vốn các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai sang các dự án có khả năng giải ngân cao...

Riêng đối với dự án ODA và vay ưu đãi, Bộ Tài chính đề nghị cơ quan chủ quản cùng các cơ quan có liên quan giải quyết vướng mắc về đấu thầu mua sắm, thuế, giải phóng mặt bằng; theo dõi sát tiến độ từng dự án để kịp thời có đề xuất điều chuyển, điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp.

Giao hết kế hoạch vốn ngay trong tháng 3, sớm hoàn thành các công trình trọng điểm

Cùng với các kiến nghị trên, tại Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 (Chỉ thị 11) ban hành mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2020 ngay trong tháng 3/2020; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công còn lại của năm 2019 và năm 2020. Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo sớm hoàn thành đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế - xã hội…

Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành liên quan. Theo đó, Bộ KH&ĐT chủ trì chuẩn bị tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công trong tháng 3; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; có chế tài xử lý nghiêm nếu để chậm trễ.

Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, Bộ này chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về việc chuyển đổi từ đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) sang đầu tư công thuần túy đối với các dự án trọng điểm như: Dự án Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, các dự án thành phần của Dự án Đầu tư xây dựng một số đoạn trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020…

Giới chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các lĩnh vực là động lực quan trọng cho tăng trưởng chịu tác động lớn từ dịch Covid-19, việc đẩy mạnh đầu tư công là cần thiết để phục hồi nền kinh tế và hỗ trợ tăng trưởng. Nguồn vốn này được giải ngân hiệu quả sẽ có tác động trực tiếp và gián tiếp đến sự phát triển kinh tế. Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, vốn đầu tư công chiếm khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, có đóng góp nhất định vào tăng trưởng. Điều quan trọng hơn là nguồn vốn này dùng để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, việc hoàn thiện các công trình này sẽ có tác động lan tỏa đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ…

Với chỉ đạo quyết liệt tại Chỉ thị 11 cùng nhiều quy định mới của Luật Đầu tư công (sửa đổi), việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm nay được kỳ vọng sẽ có nhiều cải thiện so với năm 2019.

THÙY ANH