Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam: Kỳ II Một số dự án đầu tư có hiệu quả nhưng còn hạn chế

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:00, 24/12/2015

(BKTO) - Qua kiểm toán Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (TCT) năm 2012, KTNN đã đánh giá về tình hình đầu tư của TCT và 3 công ty con, đồng thời thực hiện kiểm toán nguồn vốn đầu tư và tình hình thanh toán của Dự án Nhà ga hành khách Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ. Bên cạnh những mặt tích cực được ghi nhận, KTNN cũng chỉ rõ một số hạn chế, thiếu sót cần khắc phục.



KTNN đánh giá Dự án Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ đạt hiệu quả chưa cao. Ảnh: TK

Tham gia đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính

Qua kiểm toán, KTNN xác nhận tính đến ngày 31/12/2012, công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam đã thực hiện đầu tư vào 7 DN với tổng vốn đầu tư 1.034.130 triệu đồng, bằng 0,16 lần vốn điều lệ. Mức đầu tư này vẫn nằm trong ngưỡng được Bộ Tài chính cho phép. Ngoài ra, tại 4 DN trước đây là đơn vị thành viên của TCT được cổ phần hóa hoặc chuyển thành công ty TNHH 100% vốn nhà nước, công ty mẹ đã góp vốn thành lập DN với tổng vốn đầu tư 959.130 triệu đồng. Các DN được đầu tư đều hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh chính là khai thác dịch vụ hàng không tại các sân bay hoặc các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực vận tải hàng không. Tại một công ty con của TCT là Công ty TNHH MTV dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) đã thực hiện góp vốn vào 18 DN với tổng vốn 341.358 triệu đồng, phần lớn vốn đầu tư cũng được đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh chính. Hoạt động đầu tư góp vốn với các tổ chức trong nước (dưới 50% vốn điều lệ) đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Hầu hết các DN đều kinh doanh có hiệu quả.

Tuy nhiên, khoản đầu tư của SASCO vào Công ty Liên doanh CP Nhà Việt (Viethaus) đã gặp phải rủi ro. Theo báo cáo tài chính năm 2012 của Viethaus do SASCO cung cấp, Viethaus đã kinh doanh lỗ mất vốn. KTNN cho rằng đây là dự án đầu tư dài hạn và có nhiều ý nghĩa chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam và Liên bang Đức nên việc xây dựng lại đề án phát triển của Viethaus cần phải được các chủ đầu tư xem xét.
Khi kiểm toán tình hình đầu tư vốn ra ngoài DN tại các đơn vị được kiểm toán, KTNN thấy rằng các đơn vị đã trích lập dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn số tiền 19.406 triệu đồng (chủ yếu dự phòng khoản giảm giá cổ phiếu đầu tư vào Ngân hàng Đông Á), dự phòng tổn thất các khoản đầu tư tài chính dài hạn 16.809 triệu đồng (chủ yếu là khoản tổn thất do đầu tư vào Viethaus). Theo nguyên tắc thận trọng, TCT Cảng hàng không Việt Nam và SASCO cũng đã trích lập dự phòng cho các khoản bảo lãnh và các khoản thanh toán vãng lai cho Viethaus.

Các đơn vị có đầu tư góp vốn thành lập DN đã cử người đại diện phần vốn nhà nước tại DN theo quy định. Qua xem xét hồ sơ, báo cáo của các đơn vị, KTNN nhận thấy người đại diện phần vốn nhà nước tại các DN đã thực hiện theo dõi, giám sát và báo cáo TCT về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và kết quả hoạt động kinh doanh tại DN, đã biểu quyết theo ý kiến chỉ đạo của chủ sở hữu vốn, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, KTNN chỉ rõ người đại diện vốn nhà nước tại Công ty CP Thương mại Hàng không Cam Ranh chưa làm tốt vai trò của mình.

Hiệu quả Dự án Cảng hàng không Cần Thơ chưa cao

Qua kiểm toán vốn đầu tư thực hiện Dự án Nhà ga hành khách Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ do TCT Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư, KTNN đánh giá chủ đầu tư cơ bản đã tuân thủ các quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, chi phí đầu tư không vượt tổng mức đầu tư phê duyệt. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.357,3 triệu đồng với quy mô công suất dự kiến đạt 2 triệu khách/năm.
Xem xét lại quá trình đầu tư Dự án tính đến thời điểm 31/12/2012, KTNN ghi nhận Dự án cơ bản đạt được các mục tiêu đầu tư đã đặt ra như tạo sự đồng bộ với Dự án

Cải tạo, nâng cấp đường hạ cất cánh, đường lăn và sân đỗ máy bay; phát triển các tuyến giao thông đường hàng không nối miền Tây Nam bộ với TP.HCM, miền Trung, miền Bắc và với các nước trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của khu vực. Tuy nhiên, tính đến thời điểm kiểm toán thì hiệu quả đầu tư tài chính của Dự án không cao do chưa sử dụng hết công suất thiết kế (chỉ sử dụng khoảng 15% công suất).

Trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, Dự án được công ty tư vấn có tư cách pháp nhân, có năng lực chuyên môn lập. Nội dung của dự án đầu tư, trình tự thẩm định, phê duyệt cơ bản tuân thủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Nhưng trong giai đoạn thực hiện đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công có sự thay đổi so với thiết kế kỹ thuật được duyệt mà chủ đầu tư không tổ chức lập và phê duyệt điều chỉnh thiết kế kỹ thuật cho phù hợp với thiết kế bản vẽ thi công đồng thời làm căn cứ pháp lý để quyết toán khối lượng hoàn thành theo quy định. Công tác đo bóc khối lượng, lập dự toán còn chưa chính xác dẫn đến phải điều chỉnh dự toán, ảnh hưởng đến công tác đấu thầu và phát sinh khối lượng trong các giai đoạn sau. Chất lượng công tác thẩm tra thiết kế - dự toán, công tác thẩm định dự toán của chủ đầu tư chưa tốt, không phát hiện được các sai sót, những điểm bất hợp lý…

Theo KTNN, chủ đầu tư đã có nhiều cố gắng trong quản lý điều hành phối hợp thực hiện giữa các gói thầu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án. Đối với các gói thầu được chọn mẫu kiểm toán, nhà thầu đều không vi phạm tiến độ theo hợp đồng. Tuy nhiên, do khối lượng công trình lớn, các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm về thiết kế, thi công chuyên ngành còn thiếu; biến động về giá vật liệu xây dựng ngoài tầm kiểm soát; điều kiện về địa chất, địa hình khó khăn đã dẫn đến thời gian thực hiện Dự án kéo dài hơn so với kế hoạch. Về công tác quyết toán vốn đầu tư, đây là Dự án thuộc nhóm A, được nghiệm thu kỹ thuật và bàn giao đưa vào sử dụng tháng 12/2010, nhưng đến thời điểm kiểm toán chủ đầu tư vẫn chưa lập báo cáo quyết toán dự án hoàn thành. Nguyên nhân là do một số hạng mục phụ hoàn thành sau thời điểm nghiệm thu kỹ thuật, tới thời điểm kiểm toán vẫn còn một số gói thầu chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa lập quyết toán A-B.

HỒNG THOAN