Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp: Đảm bảo kịp thời, minh bạch và hiệu quả
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:05, 23/03/2020
(BKTO) - Nhiều ngân hàng đang tích cực triển khai gói tín dụng 285.000 tỷ đồng nhằm chia sẻ khó khăn với DN, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để các DN có thể hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ này một cách kịp thời, hiệu quả?
Nhiều ngân hàng đang tích cực triển khai gói tín dụng hỗ trợ DN chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: shb.com.vn
Hàng loạt ngân hàng chung tayhỗ trợ doanh nghiệp
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với dịch Covid-19, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực đăng ký tham gia triển khai các gói tín dụng với tổng giá trị 285.000 tỷ đồng, vượt xa con số mà Chính phủ giao là 250.000 tỷ đồng. Các gói tín dụng đều có lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với cho vay thông thường.
Cụ thể, Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Đầu tư và Phát triển Việt Nam đăng ký gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đăng ký 100.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có dư nợ hiện hữu với ước tính quy mô dư nợ của các khoản vay được giảm lãi suất khoảng 30.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Ngân hàng TMCP Quân đội đăng ký gói 35.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Á Châu đăng ký 15.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam dành 4.000 tỷ đồng cho các DN nhỏ và vừa vay với lãi suất từ 6,99%/năm và sẽ triển khai gói 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm cho DN lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia, nguồn vốn chính của gói tín dụng 285.000 tỷ đồng là tiền gửi của người dân và DN, chứ không phải nguồn vốn từ NSNN. Đây là tín dụng thương mại (có vay, có trả), tuy nhiên, điểm khác biệt của gói tín dụng này là thủ tục vay sẽ nhanh gọn, linh hoạt với lãi suất ưu đãi hơn nhằm hỗ trợ khách hàng. Phần hỗ trợ qua giảm lãi suất hay giãn, hoãn nợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 là hoàn toàn do các ngân hàng phải chủ động tính toán, cắt giảm chi phí, hy sinh lợi nhuận. Điều này thể hiện trách nhiệm của ngân hàng trong việc chia sẻ khó khăn, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là cần phải có các biện pháp phù hợp để triển khai kịp thời, hiệu quả gói tín dụng này.
Xác định đúng đối tượng thụ hưởng, tăng cường thanh tra, giám sát
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2020 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các gói hỗ trợ phải có hiệu lực ngay đến DN và người dân, không được để lâu, tránh xảy ra cơ chế xin - cho, thiếu minh bạch trong hoạt động cho vay.
Nhằm giúp các DN có thể hấp thụ được nguồn vốn hỗ trợ một cách kịp thời, hiệu quả, PGS,TS. Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế - cho rằng, điều quan trọng là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể. Bởi, việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể khiến dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững, dẫn đến không bảo đảm chất lượng tăng trưởng và gia tăng rủi ro lạm phát. Đồng thời, cơ quan quản lý cũng như các ngân hàng cần chú trọng khâu giám sát để tránh rủi ro với nền kinh tế.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng quán triệt các TCTD cần đánh giá tác động đầy đủ để dòng vốn hỗ trợ đến đúng địa chỉ nhưng đồng thời vẫn phải tính toán đến các khó khăn, yếu tố có thể tác động tới hệ thống ngân hàng sau này, đặc biệt, cần tăng cường giám sát, thanh tra, không làm méo mó thị trường tín dụng.
Để giúp DN có thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, mới đây, Thống đốc NHNN đã ký, ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư đảm bảo cơ sở pháp lý, tạo điều kiện tối đa về thẩm quyền trách nhiệm để các TCTD phối hợp với khách hàng vay vốn xem xét quyết định mức độ thời gian, hỗ trợ DN tái cơ cấu các khoản vay.
Tuy nhiên, theo TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam, việc giảm lãi suất, phí, tái cấu trúc lại các khoản vay cho DN sẽ còn phụ thuộc vào thị trường. Ngân hàng có thể giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ vì lợi ích của ngân hàng và toàn bộ nền kinh tế.
Nhưng nhà băng cũng sẽ phải xem xét khả năng thanh khoản, các cân đối về tài chính, những rủi ro đi kèm, đối tượng khách hàng trước khi giải ngân gói hỗ trợ.
Ngoài ra, TS. Bình đề xuất, gói hỗ trợ tín dụng không chỉ dành cho các DN chịu sự ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 mà cần hướng tới những DN không chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch, có khả năng phát triển tốt.
Theo NHNN, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 0,06%, giảm so với mức tăng 1% cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, nhu cầu tín dụng của nền kinh tế rất thấp do các DN đang gặp khó khăn và phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh bởi dịch bệnh. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh chính sách tiền tệ, các chính sách về tài khoá, sản xuất, thị trường... cần được thực hiện đồng thời để giúp DN tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra hiệu quả tổng thể cho nền kinh tế. Chỉ như vậy, các DN mới có thể hấp thụ nguồn vốn hỗ trợ một cách kịp thời, hiệu quả.
THÀNH ĐỨC