Giá sách giáo khoa mới: Đảm bảo lợi ích doanh nghiệp nhưng phù hợp với túi tiền phụ huynh

Đầu tư - Ngày đăng : 09:25, 23/03/2020

(BKTO) - Thời điểm này, các đơn vị tham gia biên soạn, phát hành sách giáo khoa (SGK) lớp 1 đang hoàn tất việc kê khai giá để công khai đến phụ huynh học sinh cả nước. Tuy nhiên, việc tính toán giá SGK mới nên như thế nào để vừa bảo đảm DN có thể hoạt động, tiếp tục tham gia làm sách, vừa bảo đảm quyền lợi của phụ huynh, học sinh đang là bài toán khó.



Giá SGK là một trong những yếu tố để phụ huynh lựa chọn nên các NXB cần tính toán kỹ lưỡng. Ảnh: Minh Thái
Quy định giá sách giáo khoa mới không cao hơngiá hiện hành

Trong một giai đoạn dài, SGK được coi là “pháp lệnh” vì có duy nhất một bộ do Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam phát hành. Từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 88/2014/QH13 với chủ trương “xã hội hóa việc biên soạn SGK, sẽ có một số SGK cho mỗi môn học” đã góp phần kêu gọi, khuyến khích các tổ chức, cá nhân cống hiến trí tuệ, tâm huyết tham gia viết SGK. Đánh giá chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK là đúng đắn, Viện trưởng Viện Dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo T.Ư) Đỗ Thị Thanh Hà cho rằng, thực hiện xã hội hóa, về phía Nhà nước sẽ tiết kiệm ngân sách rất lớn, đồng thời sẽ giúp hạn chế độc quyền SGK; khi có nhiều bộ SGK, người được lợi nhất là học sinh, phụ huynh.

Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng cho rằng, khi thực hiện chủ trương xã hội hóa thì giá SGK sẽ tăng lên. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có Văn bản gửi Chính phủ, báo cáo và đề xuất một số nội dung liên quan đến giá SGK mới. Theo đó, Bộ này kiến nghị giá SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới bảo đảm không vượt mức giá của bộ SGK do NXB Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020.

Trước đề xuất này, Bộ Tài chính đã đề nghị các NXB tham gia công tác biên soạn, in ấn, phát hành SGK mới phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh. Đồng thời, đề nghị các NXB thực hiện kê khai giá SGK mới theo đề nghị của Bộ GD&ĐT, đó là bảo đảm không vượt quá giá SGK hiện hành. Điều này mang lại niềm vui cho phụ huynh học sinh nhưng lại khiến các NXB băn khoăn.

Theo ông Ngô Trần Ái (Công ty Cổ phần Đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam), về tổng thể, SGK cho chương trình phổ thông mới có hình thức bắt mắt, khổ lớn hơn, giấy in đẹp, chất lượng cũng được các thành viên trong Hội đồng thẩm định đánh giá cao. Vì vậy, các NXB sẽ gặp khó khăn nếu phải bảo đảm giá sách mới không cao hơn giá sách hiện hành như Bộ GD&ĐT yêu cầu.

Điều chỉnh giá phải hài hòa lợi ích các bên

Là người chuyên viết SGK cho NXB Giáo dục Việt Nam và cũng là Tổng chủ biên của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới, GS,TS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, khó khăn nhất là những chủ trương không rõ ràng, nhất quán từ đầu của các nhà quản lý. “Nếu từ đầu nói xã hội hoá nhưng Nhà nước định giá, sẽ không ai làm. NXB tham gia làm sách mà lỗ thì không ai in sách, tác phẩm sẽ không đến được với học sinh”. Cũng theo ông Thuyết, giá SGK là một trong những yếu tố để phụ huynh lựa chọn nên các NXB cần tính toán kỹ lưỡng. Hiện nay, nếu giá sách tăng lên đến 200.000 - 250.000 đồng/bộ cũng không phải cao so với chi tiêu của một gia đình. Riêng học sinh khó khăn vẫn có chính sách hỗ trợ từ Dự án Đổi mới chương trình SGK của Bộ GD&ĐT với kinh phí dự trù hơn 4 triệu USD vay của Ngân hàng Thế giới để cung cấp sách từ lớp 1 đến lớp 12.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu SGK là sản phẩm độc quyền thì Nhà nước phải kiểm soát chi phí cụ thể, cơ quan kiểm soát phải thật khách quan để hài hòa giữa Nhà nước, DN, người thụ hưởng. Còn nếu rất nhiều NXB cùng in một ấn phẩm thì Nhà nước chỉ giám sát xem các bên có liên kết với nhau để nâng giá hay không, còn tất cả do thị trường quyết định. Tuy nhiên, SGK quan trọng ở nội dung, hình thức không nên quá cầu kỳ trong bối cảnh đất nước còn nghèo. Các NXB cần chú ý in ấn sao cho giá cả đảm bảo lợi ích của mình, nhưng cần phù hợp với thu nhập bình quân của người dân.

Đồng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho rằng, giá của SGK cần phải tính toán hài hòa giữa lợi ích của DN, người cung cấp SGK và người sử dụng. Ngoài ra, cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước như thế nào với nhóm đối tượng được Nhà nước bao cấp. Ví dụ không thu tiền, miễn phí, hoặc hỗ trợ các trường mua sách cho học sinh thuê, sau đó quay vòng cho lứa học sinh sau. Về phía đơn vị cung cấp, theo bà Minh, cần có định hướng của Nhà nước. Nếu giá không muốn vượt quá giá hiện hành thì sự đầu tư cho sách ở chừng mực nào đó, nội dung bên trong, trí tuệ hội tụ của các tri thức trong đó mới là quan trọng.

Vai trò của DN rất quan trọng để thích ứng với thị trường, nếu giá tiền quá cao so với thu nhập hiện tại thì người dân sẽ không đủ tiền để mua.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ đề xuất, Bộ GD&ĐT cần thành lập hội đồng thẩm định giá trên tinh thần “tiền nào của nấy” thay vì chỉ thẩm định nội dung, hình thức SGK như hiện nay. Giá cả của sách sẽ do thị trường điều tiết, chứ không thể nói bộ sách này không được phép bán giá cao hơn so với bộ sách đã phát hành cách đây nhiều năm.

LÊ HÒA