Thỏa thuận lịch sử về biến đổi khí hậu

Xã hội - Ngày đăng : 10:00, 24/12/2015

(BKTO) - Sau 12 ngày đàmphán căng thẳng, đại diện 195 quốc gia dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giớiCOP 21 tại Paris đã đạt được thỏa thuận lịch sử. Đây được coi là một sự kiện lịchsử nhằm cứu trái đất – ngôi nhà chung của nhân loại.



Một số nghiên cứu cho thấy, BĐKH sẽ làm cho Việt Nam mất 1/2 diện tích đất canh tác và 22 triệu dân bị mất nhà cửa. Ảnh: TK
Cách mạng về biến đổi khí hậu

Bản Thỏa thuận Paris có 31 trang, 29 điều khoản và sẽ thay thế Nghị định thư Kyoto từ năm 2020. Về mục tiêu, thỏa thuận này đặt ra mức tăng nhiệt độ của Trái đất đến năm 2100 là thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2 độ C và gắng tiến tới ngưỡng thấp hơn 1,5 độ C. Thỏa thuận Paris còn đề ra cơ chế để mỗi nước tự nguyện rà soát, theo đó từ năm 2023, cứ 5 năm/lần Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả tổng hợp về các nỗ lực chống BĐKH của các nước. Việc đánh giá này sẽ giúp các nước có thêm thông tin để cập nhật và tăng cường các cam kết của họ.

Trong điều khoản về ‘tổn thất và thiệt hại’, các bên sẽ tăng cường hiểu biết, hành động và hỗ trợ thông qua Cơ chế quốc tế về tổn thất và thiệt hại cùng với tác động của BĐKH. Các nước phát triển sẽ cung cấp nguồn lực tài chính để hỗ trợ các nước đang phát triển thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và các bên được khuyến khích cung cấp hoặc tiếp tục cung cấp hỗ trợ này trên cơ sở tự nguyện. Mức đóng góp 100 tỷ USD (92 tỷ Euro) mỗi năm bắt đầu từ năm 2020 đến năm 2025 đã được khẳng định. Đến năm 2025 mức đóng góp tài chính của các nước giàu sẽ yêu cầu được tiếp tục cụ thể hơn.

Đánh giá về thành công của Thỏa thuận Paris, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon cho rằng Thỏa thuận Paris là một thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Còn Tổng thống Pháp Francois Hollande nhận định: Tại Paris đã có rất nhiều cuộc cách mạng trong nhiều thế kỷ, nhưng đây là cuộc cách mạng tuyệt vời nhất - cuộc cách mạng về BĐKH.

Thách thức và cơ hội cho Việt Nam

Theo đánh giá, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng đứng thứ 2 sau Ấn Độ về BĐKH. Một số nghiên cứu cho thấy, BĐKH sẽ làm cho Việt Nam mất 1/2 diện tích đất canh tác và 22 triệu dân bị mất nhà cửa. Tại Hội nghị COP 21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ trước cộng đồng quốc tế về trách nhiệm của Việt Nam trước BĐKH. Theo đó, Việt Nam sẽ đóng góp 1 triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016-2020. Về đóng góp giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam sẽ thực hiện giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Theo Bộ Tài nguyên & Môi trường, sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua, Việt Nam đang đứng trước thách thức lớn trong việc chuyển đổi sử dụng năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, trong khi mọi công nghệ và công nghiệp năng lượng của chúng ta hiện nay vẫn dựa vào năng lượng hóa thạch là chủ yếu. Sản xuất điện và năng lượng của Việt Nam là 2 ngành sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất trong quá trình thực hiện Thỏa thuận Paris. Hiện các DN sản xuất điện và năng lượng ở nước ta đang tiêu tốn một lượng nguyên liệu hóa thạch khổng lồ. Nếu không có sự điều chỉnh về lượng cacbon thải ra, thì khi Thỏa thuận Paris bắt đầu thực thi từ năm 2020, những DN này hoàn toàn có thể bị kiện và xử phạt.

Theo GS. Mai Trọng Nhuận - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư vấn chính sách biến đổi khí hậu: Thỏa thuận Paris là cơ hội lớn để Việt Nam có thể phát triển bền vững. Chúng ta có đầy đủ cơ hội chung giống như các quốc gia khác trên thế giới khi cùng thực hiện Thỏa thuận này. Việc bước sang kỷ nguyên cacbon thấp cũng là cơ hội thay đổi nhận thức cho toàn nhân loại, góp phần thúc đẩy điều chỉnh thể chế chính sách về mô hình liên kết toàn cầu giữa các quốc gia, đồng thời tạo ra cuộc sống an toàn và thịnh vượng hơn cho con người.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà - Trưởng Ban công tác đàm phán của Việt Nam về BĐKH cho biết: Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, điều cần thiết để thực hiện Thỏa thuận này là thay đổi cơ bản về nhận thức, hành vi, đạo đức và lối sống phù hợp với yêu cầu về kỷ nguyên xã hội cacbon thấp trong khi nguồn lực và khoa học công nghệ còn rất nhiều hạn chế, thể chế chính sách. Việt Nam cần khẩn trương để thực hiện các trình tự, thủ tục để phê duyệt Thoả thuận Paris và cùng các nước sớm đưa Thỏa thuận này có hiệu lực. Việt Nam cũng phải chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch và các giải pháp một cách bài bản, tổng thể để đạt được các mục tiêu đã cam kết. Đồng thời chủ động hội nhập và tận dụng tốt các cơ hội hợp tác với các đối tác thực hiện Thoả thuận lịch sử này và tạo ra một xã hội cacbon thấp tốt nhất trong điều kiện của Việt Nam.

HOÀNG LONG