Quy định rõ ràng việc quản lý thu, chi Quỹ phòng chống thiên tai

Đối nội - Ngày đăng : 09:03, 25/03/2020

(BKTO) - Đây là vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đặt ra khi cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều, tại phiên họp chiều 24/3.


                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng báo cáo tại phiên họp- Ảnh: quochoi.vn

   

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc cần thiết thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương và đề nghị quy định rõ nguồn tài chính của Quỹ để tránh trùng với nội dung Nghị định số 64/2008/NĐ-CP trong vận động, tiếp nhận, sử dụng nguồn hỗ trợ quốc tế; cần bổ sung quy định rõ nguồn thu, cơ chế sử dụng, việc điều chuyển Quỹ.

Ý kiến khác cho rằng, không nên thành lập Quỹ này vì nguồn huy động của quốc tế ngoài ngân sách là không lớn và đã có các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội chữ thập đỏ Việt Nam cũng huy động và tiếp nhận.

Về vấn đề này, cơ quan thẩm tra cho rằng, Luật Phòng, chống thiên tai hiện hành chỉ quy định về Quỹ Phòng chống thiên tai là quỹ hoạt động phi lợi nhuận, mang tính nhân đạo xã hội, ngoài NSNN để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai ở địa phương và chưa quy định về Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương.

Thực tiễn cho thấy, ở địa phương thiên tai xảy ra nhiều thì nhu cầu sử dụng Quỹ Phòng, chống thiên tai lớn nhưng nguồn thu của Quỹ lại thấp. Một số địa phương lại có kết dư Quỹ lớn. Do vậy, cần có sự điều tiết giữa các Quỹ Phòng, chống thiên tai cấp tỉnh từ nơi thừa sang nơi thiếu.

Mặt khác, Việt Nam hiện tham gia nhiều hiệp định, thỏa thuận quốc tế về thiên tai, lại là nước có một số nguồn lực từ một số Chính phủ, tổ chức quốc tế hỗ trợ trực tiếp cho khắc phục hậu quả thiên tai nhưng pháp luật hiện hành còn thiếu cơ chế tiếp nhận, sử dụng.

Vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với việc cần có Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn lực quốc tế và điều tiết nguồn lực giữa các Quỹ trong nước cho công tác này.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã quy định rõ về nguồn tài chính của Quỹ Phòng, chống thiên tai Trung ương (điểm a khoản 2 Điều 10); nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng, chống thiên tai để tránh chồng chéo, bảo đảm tính minh bạch.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải bày tỏ băn khoăn, hiện nay ở Trung ương, các khoản viện trợ của các tổ chức quốc tế đều thông qua kênh Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Do đó, việc thành lập Quỹ Phòng, chống thiên tai ở Trung ương liệu có chồng chéo hay không?

Các ý kiến đề nghị Chính phủ đánh giá, rà soát căn cứ thành lập Quỹ trung ương với điều kiện không hình thành bộ máy mới và không trùng lặp.
                
   

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải trình tại phiên họp- Ảnh:quochoi.vn

   

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại 63 tỉnh, thành phố đều có quỹ phòng, chống thiên tai của địa phương. Nguồn quỹ trung ương là nơi tiếp nhận nguồn tài trợ, viện trợ khẩn cấp của quốc tế trong trường hợp nước ta xảy ra thiên tai. Việc thiết kế quỹ trung ương không trùng lặp với cấp tỉnh, mà là để việc sử dụng quỹ làm sao nhanh nhất, hiệu quả nhất, không hình thành bộ máy mới gây phiền hà

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: Trong điều kiện hiện nay, việc hình thành các Quỹ Phòng, chống thiên tai là cần thiết ở cả trung ương và địa phương. Tuy nhiên, hình thức quản lý, thu chi phải quy định rõ ràng trong Dự thảo Luật, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thu để đảm bảo tinh thần Hiến pháp; đồng thời rà soát lại các quỹ của các tổ chức chính trị xã hội, đảm bảo thống nhất quản lý một đầu mối.

Đồng thời, rà soát lại các quỹ vận động của các tổ chức chính trị xã hội để đảm bảo sự thống nhất quản lý một đầu mối, để điều phối thống nhất.

N. HỒNG