Suy thoái do COVID-19 sẽ nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng 2008
Đối ngoại - Ngày đăng : 22:52, 26/03/2020
(BKTO)- Các dự báo của nhiều tổ chức, quốc gia trên thế giới đều cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế và mất việc làm do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra sẽ đặc biệt nghiêm trọng.
Ảnh minh họa - Nguồn: internet. |
Nghiêm trọng hơn cuộc đại suy thoái năm 2008
Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo ngày 25/3 đã nhấn mạnhrằngcác dự báo cho thấy tình trạng suy thoái kinh tế và mất việc làm do dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 gây ra sẽ nghiêm trọng hơn cuộc suy thoái do khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo ôngAzevedo, dịch Covid-19 chắc chắn sẽ có tác động lớn đến nền kinh tế và thương mại của thế giới cũng như việc làm và cuộc sống của người dân, và mặc dù chưa có dự báo cụ thể song các nhà kinh tế của WTO dự kiến "hoạt động thương mại sẽ sụt giảm rất mạnh".
Tương tự, hãng xếp hạng tín dụng Moody's cũng đã dự báo các nước G20 sẽ có thể suy thoái kinh tế trong năm nay vì đại dịch Covid-19. Trong dự báo công bố ngày 25/3, Moody's ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của G20 sẽ suy giảm 0,5%, trong đó nền kinh tế Mỹ suy giảm 2% và kinh tế Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ suy giảm 2,2%.
Trước đó hãng này cũng đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2020 của Hàn Quốc xuống còn 0,1% so với mức 1,4% đưa ra trước đây bởi những ảnh hưởng tiêu cực của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là lần thứ hai Moody's hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế lớn thứ tư châu Á trong vòng chưa đầy ba tuần qua. Trước đó, ngày 9/3, Moody's đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế của Hàn Quốc từ 1,9% xuống 1,4%.
Còn ở Đông Nam Á, Bộ Công Thương Singapore ngày 26/3 cho biết, nền kinh tế này gần như chắc chắn rơi vào suy thoái trong năm 2020, lần đầu tiên trong hai thập kỷ qua, trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tác động tiêu cực ở quy mô toàn cầu.
Dựa trên số liệu kinh tế hai tháng đầu năm, Bộ Công Thương Singapore dự báo tăng trưởng GDP quý I/2020 của nước này sẽ giảm xuống -2,2%, tồi tệ hơn rất nhiều so với mức dự báo tăng 0,8% của Cơ quan Quản lý Tiền tệ Singapore (MAS) đưa ra hồi đầu tháng này.
Bộ trên cũng dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong cả năm 2020 sẽ ở mức -4,0 đến -1,0%, giảm mạnh so với dự báo -0,5 đến 1,5% được đưa ra trước đó. Nền kinh tế Singapore rơi vào suy thoái gần đây nhất là năm 2001, với mức tăng trưởng -1,0%.
Nguyên nhân dẫn đến sụt giảm tăng trưởng tại Singapore là do các biện pháp thắt chặt kiểm soát đường biên, không giao tiếp xã hội... nhằm ngăn ngừa dịch Covid- 19 đã tác động mạnh tới sức tiêu dùng nội địa cũng như nhu cầu từ bên ngoài đối với hàng hoá và dịch vụ của Singapore.
Còn đối với nền kinh tế lớn thứ 2 Đồng Nam Á - Thái Lan, Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BoT) ngày 25/3 cũng đã dự báo nền kinh tế nước này sẽ sụt giảm 5,3% trong năm nay, do tác động tiêu cực của dịch viêm đường ho hấp cấp Covid-19.
Giám đốc cao cấp phụ trách kinh tế và chính sách của BoT - ông Don Nakornthab, nhận xét đại dịch Covid-19 là nguyên nhân chính làm tổn hại các nền kinh tế trên thế giới và đang tác động xấu đến các ngành du lịch và xuất khẩu của Thái Lan trong năm 2020. Trước đó, BoT dự báo kinh tế Thái Lan sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay.
Theo ông Don, mức dự báo giảm 5,3% - lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chưa tính đến chính sách tiền tệ và tài chính để hỗ trợ tăng trưởng.
Liên hiệp quốc kêu gọi G20 thông qua “kế hoạch thời chiến"
Trước những ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế của đại dịch Covid-19,Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 25/3 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo Nhóm G20 thông qua một “kế hoạch thời chiến", bao gồm một gói kích thích hàng nghìn tỷ USD cho các DN, công nhân và hộ gia đình ở các nước đang phát triển, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Trong một bức thư gửi các nhà lãnh đạo G20, ông Guterres nói rằng những quốc gia này chiếm tới 85% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới, do vậy họ có lợi ích trực tiếp và vai trò quan trọng trong việc giúp các nước đang phát triển đối phó với khủng hoảng Covid-19.
Ông Guterres cảnh báo nếu các nước phát triển không thực hiện được cam kết này, dịch bệnh sẽ có quy mô ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các quốc gia.
Tính tới cuối năm nay, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cho biết tổn thất từ đại dịch này có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo G20 phải “bơm” thêm nguồn tài chính lớn vào nền kinh tế toàn cầu.
Ông cho biết một gói kích thích phối hợp trị giá hàng nghìn tỷ USD từ các nước G20 sẽ bao gồm những nội dung như tăng cường các biện pháp chuyển tiền mặt, bảo trợ an sinh xã hội, giảm thuế, kích thích tài khóa, hạ lãi suất xuống thấp, mở rộng khả năng tiếp cận các chương trình hỗ trợ tín dụng, bảo hiểm và tiền lương cho người dân.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Guterres cũng nhấn mạnh những chính sách trên không nên đi kèm với chủ nghĩa bảo hộ.
Người đứng đầu Liên Hợp Quốc cũng khuyến khích các nước từ bỏ những biện pháp trừng phạt, hạn ngạch và thuế quan để cho phép cung cấp thực phẩm, vật tư-thiết bị y tế, cũng như hỗ trợ cho cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 thiết lập một chương trình phản ứng phối hợp để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trên toàn cầu.
NAM SƠN (Tổng hợp)