Doanh nghiệp tư nhân và những thách thức từ TPP

Đầu tư - Ngày đăng : 10:00, 24/12/2015

(BKTO) - Lĩnh vực đầu tư được đưa vào trong một chương của Hiệp định Đối táckinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) với những điều khoản về đối xửbình đẳng giữa DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN nội địa. Điều này sẽ cónhững tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp tư nhân (DNTN) hiện đang chiếm tỷlớn tại Việt Nam.



DN tư nhân trong nước đang chịu nhiều sức ép từ các DN có vốn đầu tư nước ngoài.Ảnh: TK
DNTN còn “lép vế” so với DN FDI

Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra DN của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), DNTN chiếm tỷ lệ chủ yếu (75%) trong số hơn 400.000 DN đang hoạt động tại Việt Nam. Mặc dù chiếm số lượng hùng hậu, DNTN tại Việt Nam vẫn chủ yếu là DN vừa và nhỏ và đang chịu lép vế nhiều mặt so với các DN FDI. Cụ thể, Số lượng lao động tại mỗi DN này chỉ đạt khoảng 14,4 lao động, thấp hơn nhiều so với con số gần 300 lao động tại mỗi DN FDI. Về nguồn lực, nguồn vốn trung bình của một DN FDI đạt trên 300 tỷ đồng. Trong khi đó, mức vốn trung bình của toàn bộ DN tại Việt Nam đạt xấp xỉ 50 tỷ đồng còn DNTN chỉ đạt 11,9 tỷ đồng. Thực tế cũng cho thấy rằng những DN hoạt động kém hiệu quả tập trung chủ yếu ở nhóm DN vừa và nhỏ với quy mô vốn thấp.

Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2014 của Tổng cục Thống kê, có tới 67.823 DN gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc đăng ký tạm ngừng hoạt động. Phần lớn trong số này là những DN có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng. Tài sản cố định và vốn đầu tư dài hạn của khối DN FDI cũng cao gấp hơn 30 lần so với khối DNTN. Trên khía cạnh hoạt động, doanh thu thuần (khoản doanh thu bán hàng sau khi đã trừ các khoản giảm trừ doanh thu) của các DN FDI cũng đạt mức cao hơn nhiều so với DN nội địa, trong đó có khối DNTN. Điều này cho thấy rằng, các DN FDI đang có lợi thế rất lớn về quy mô so với DNTN trong nước, không chỉ về vốn đầu tư mà còn cả trên khía cạnh hoạt động.

Cơ hội nào cho DNTN?

Các DN Việt Nam, đặc biệt là khối DNTN vừa và nhỏ, đang phải bước vào cuộc chơi TPP với thế yếu hơn rất nhiều. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng - Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Hiệp định TPP quy định rõ quy tắc đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài từ các nước TPP và nhà đầu tư nội địa là như nhau. Đồng thời, các ưu đãi đối với nhà đầu tư đến từ các nước TPP không được kém hơn so với ưu đãi dành cho nhà đầu tư đến từ các nước TPP khác hay các nước ngoài TPP. Ngoài ra, TPP cũng đưa ra nhiều quy định loại bỏ các ràng buộc liên quan tới tự do hoạt động của các DN FDI như yêu cầu về hàm lượng nội địa; lãnh đạo, quản lý DN. Như vậy, sau khi TPP được thực thi, các DN FDI về cơ bản sẽ được hoạt động và đối xử tương tự DN nội địa. Với một nước vẫn đang còn có những lợi thế về nhân công dồi dào, Việt Nam được kỳ vọng sẽ là đích đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong khối các nước TPP.

Số liệu trong bảng Top 1000 DN nộp thuế TNDN lớn nhất Việt Nam mới được Vietnam Report công bố cho thấy, có đến 50% DN FDI lọt vào bảng nhưng chỉ đóng góp khoảng 37% tổng số thuế của toàn bảng xếp hạng. Trong khảo sát các DN của Bảng xếp hạng Top 500 DN lớn nhất Việt Nam được thực hiện tháng 11/2015, phần lớn các DNTN đều chọn ra 3 yếu tố cần cải thiện nhất để có thể cạnh tranh được với các đối thủ trong khối TPP đó là chất lượng sản phẩm và dịch vụ; giá thành sản phẩm/dịch vụ và chất lượng nguồn nhân lực.

7 năm trước, sau khi Việt Nam hoàn tất thủ tục gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới), số dự án và vốn FDI đăng ký đã tăng đột biến trong năm 2008. Cùng lúc đó, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ toàn cầu lan rộng đã khiến số vốn thực tế không được như mong đợi. Làn sóng đầu tư giai đoạn đó chưa thực sự mạnh đến mức các DN trong nước phải lo lắng như hiện nay.

Với những thỏa thuận đã được công bố, TPP thực sự sẽ mang lại làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam trong thời gian tới, DNTN trong nước sẽ càng trở nên bất lợi hơn trong cuộc cạnh tranh về quy mô so với khối DN FDI. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Nguyễn Thanh Tùng khi có sự tự sàng lọc các DN hoạt động hiệu quả, DNTN vẫn còn có những cơ hội để mở rộng quy mô vốn và phát triển.

LÊ HÒA