Phó Thủ tướng: Tăng mạnh đàn lợn nhưng không để mất cân đối cung cầu

Kinh tế - Ngày đăng : 16:10, 30/03/2020

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp là giảm giá thịt lợn xuống hợp lý để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, người chăn nuôi, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.



Chăm sóc đàn lợn thịt hơn 1 tháng tuổi tại một trang trại. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Tại cuộc làm việc với 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức sáng 30/3, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đánh giá cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nghiệp tiên phong cam kết giảm giá lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4.

“Việc giảm, bình ổn giá thịt lợn là trách nhiệm không chỉ về kinh tế mà còn văn hóa, chính trị, đạo đức với cuộc sống người dân. Vì vậy, nhiệm vụ hàng đầu của ngành nông nghiệp là giảm giá thịt lợn xuống hợp lý để đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, người chăn nuôi và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành nông nghiệp đã kiểm soát tốt dịch bệnh để phát triển đàn lợn trở lại, tốc độ tái đàn lợn tăng 6,2%. Việc duy trì phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển đàn lợn nói riêng đã góp phần rất quan trọng để phát triển kinh tế và đảm bảo đời sống của người dân.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân và ổn định kinh tế vĩ mô. Mặc dù đàn lợn tăng nhưng chưa đáp ứng được cầu nên giá tăng cao. Bên cạnh đó còn do tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân cũng làm giá tăng lên; găm hàng chờ giá lên; cơ cấu giá thịt lợn còn bất hợp lý, đặc biệt là chi phí trung gian lớn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu ngành nông nghiệp trước hết cần tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu thị trường cả trong nước và khu vực. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch phát triển chăn nuôi nói chung; trong đó có chăn nuôi lợn; tăng mạnh đàn lợn thời gian tới nhưng không để mất cân đối cung cầu trong trung và dài hạn. Từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp, địa phương, người dân có kế hoạch phát triển của mình.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có kế hoạch kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn châu Phi; xây dựng chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; có giải pháp hạ giá thành chăn nuôi, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp, sản xuất theo chuỗi; trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã là chủ lực, động lực cho phát triển, trước hết là cung cấp các dịch vụ đầu vào như giống, thức ăn, kỹ thuật chăn nuôi.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch nhập khẩu để tăng nguồn cung; cung ứng đủ thịt trong dịch COVID-19, không để tình trạng thiếu, gây tâm lý hoang mang, hỗn loạn thị trường; cùng với đó là tổ chức tốt thị trường, chế biến, bảo quản…; trong đó vai trò quan trọng thuộc về doanh nghiệp, hợp tác xã để tạo ra chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thịt lợn.

“Hai bộ cần tăng cường kiểm soát giá; đặc biệt là chi phí trung gian và xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao. Bộ Công Thương cùng Ban Chỉ đạo 389 phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng xuất nhập khẩu lợn trái phép," Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.

Cam kết cùng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc giảm giá thịt lợn, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cho biết thêm từ tháng 9/2019, công ty luôn đồng hành cùng nông dân trong việc cung cấp con giống, lợn hậu bị để tái đàn và kiểm soát dịch bệnh cùng người chăn nuôi nhằm tránh tái phát dịch.
Nhân viên Thú y phối hợp với Ban Quản lý chợ đầu mối Nam Hà Nội kiểm tra sản phẩm thịt lợn tại quầy hàng tại chợ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Với sự kêu gọi của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, công ty luôn có giá bán thấp hơn trên thị trường, có thời điểm còn thấp hơn 10.000 đồng/kg, trung bình từ 3.000-7.000 đồng/kg. Từ 15/2, công ty đã giảm giá lợn hơi từ 78.000 đồng/kg xuống 75.000 đồng/kg và kéo dài xuống đến hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, công ty giảm giá nhưng người tiêu dùng không hưởng lợi nhiều. Công ty bán giá lợn hơi 75.000 đồng/kg nhưng giá thị trường vẫn là 82.000-85.000 đồng/kg, người tiêu dùng không hưởng lợi mà là các khâu trung gian. Ông Tuấn đề nghị các bộ, ngành tăng cường kiểm soát khâu trung gian.

“Công ty cam kết đồng hành và mong muốn các doanh nghiệp khác cũng cùng đưa giá lợn hơi về 70.000 đồng/kg và cùng minh bạch, trung thực giá bán trong thời gian tới, để người tiêu dùng có giá lợi," ông Tuấn cho biết.

Đồng tình quan điểm trên, Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn CJ Vina Agri cho rằng, các bộ cần tăng cường kiểm soát khâu trung gian để người tiêu dùng được hưởng lợi việc giảm giá thịt lợn này.

Theo Đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn CJ Vina Agri, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn đang tiếp diễn, giá lợn cao một phần do dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát, khống chế tốt thì giá cả sẽ ổn định. Công ty đang cố gắng hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn cũng như kiểm soát dịch bệnh để tăng nguồn cung trên thị trường.

Ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin, cho biết Việt Nam đã có nhiều giải pháp sáng tạo để “sống” trong dịch tả lợn châu Phi. Nhập khẩu thịt lợn chỉ là bài toán ngắn hạn. Tình hình hiện nay là cơ hội để Việt Nam có thể xuất khẩu được thịt lợn, con giống.

Theo ông Đào Mạnh Lương, 15 doanh nghiệp ở đây cũng chưa chiếm đa số tổng đàn cả nước. Ngành nông nghiệp cần thúc đẩy tái đàn nhanh chóng, nếu không sẽ vẫn chỉ bài toán giảm giá. Nhưng để làm được cần có vai trò không chỉ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà cả Chính phủ.

Ông Đào Mạnh Lương kiến nghị Chính phủ ra nghị định chuyên đề về phát triển chăn nuôi lợn quy mô, ở đó tập trung một số nhóm giải pháp về vốn, đất đai, vùng chăn nuôi an toàn… Nhiều hộ muốn tái đàn nhưng khó vì tái đàn cần vốn lớn. Đây là thời cơ vàng để chăn nuôi lợn tái cấu trúc thành chăn nuôi công nghệ cao, quy mô lớn.

Tại cuộc họp, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị đưa vào mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá và dự trữ quốc gia.

Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO Việt Nam, cho rằng thịt lợn không chỉ là mặt hàng thiết yếu với người dân mà còn tác động rất lớn đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội đưa mặt hàng thịt lợn vào mặt hàng dự trữ quốc gia, bình ổn giá để có đủ chế tài, thiết chế và nguồn lực kiểm soát giá. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa lợn vào danh sách đối tượng vật nuôi được hưởng bảo hiểm nông nghiệp; tạo cơ chế cho doanh nghiệp, ngân hàng tham gia vào bảo hiểm nông nghiệp.

Ngoài vấn đề giá thịt lợn, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, còn lo ngại với tình hình dịch COVID-19 hiện hay, các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi như thuốc thú y, nguyên liệu thức ăn… sẽ khó được đảm bảo đầy đủ nếu gặp khó khăn trong xuất nhập khẩu.

Công ty kiến nghị, Chính phủ lưu ý vấn đề này để nguồn nguyên liệu được thông suốt, góp phần ổn định giá cả đầu vào của ngành chăn nuôi.

Theovietnamplus.vn