Từ vụ sập nhà ở Cửa Bắc (Hà Nội): Người dân vẫn... “sống trong sợ hãi”!
Xã hội - Ngày đăng : 14:00, 11/08/2016
(BKTO) - Tình trạng sốngtrong những ngôi nhà, khu tập thể cũ đang làm gia tăng nỗi lo mất an toàn chongười dân. Ví dụ điển hình về những thiệt hại nặng nề từ vụ tai nạn tại nhà số43 phố Cửa Bắc (Ba Đình, Hà Nội) mới đây đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnhbáo không chỉ với Hà Nội mà đối với các đô thị khác trên cả nước.
Quản lý kém hiệu quả
Sự cố sập nhà nghiêm trọng xảy ra tại ngôi nhà số 43 phố Cửa Bắc xảy ra mới đây đã cướp đi sinh mạng của hai người, làm nhiều người khác bị thương khiến người dân Thủ đô lo lắng, hoang mang. Đây cũng không phải là lần đầu tiên xảy ra tai nạn như trường hợp nêu trên. Nhiều sự cố do sập nhà trước đó đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, điển hình như vụ sập biệt thự cổ ở số 107 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) cướp đi mạng sống nhiều người dân; sập nhà cao tầng ở Huỳnh Thúc Kháng (quận Đống Đa)... Trong đó, nguyên nhân phần lớn là do nhà cũ nát hoặc thi công, sửa chữa không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật gây ra.
Hậu quả do vụ tai nạn sập nhà ở phố Cửa Bắc gây ra sẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Thủ đô.Ảnh:TK
Theo Kiến trúc sư (KTS) Ngô Doãn Đức - nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, đặc trưng của các khu nhà cổ, nhà cũ là có tuổi thọ rất lâu đời, nền móng rất yếu, thậm chí là không có móng; nhà nọ chen chúc, nâng đỡ nhà kia nên khi một nhà đào móng cũng có thể ảnh hưởng tới an toàn của các nhà xung quanh. Do đó, tình trạng đổ sập các căn nhà như vậy đã được cảnh báo trước, song người dân chưa chú ý, cơ quan quản lý, giám sát thiếu trách nhiệm đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Đây là bài học không chỉ riêng với Hà Nội mà còn có tác dụng cảnh báo chung cho các khu vực đô thị, đặc biệt là các khu phố cũ, phố cổ tại các đô thị lớn trên cả nước.
Bất an với chính ngôi nhà của mình
Trở lại với vụ tai nạn do sập nhà ở phố Cửa Bắc, mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Nguyên nhân, trách nhiệm của người có liên quan trong vụ tai nạn sẽ sớm được điều tra, làm rõ. Tuy nhiên, những hậu quả do vụ tai nạn gây ra sẽ là nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân Thủ đô, nhất là trong bối cảnh còn rất nhiều gia đình hiện đang sống trong các căn nhà, khu tập thể cũ.
Khẳng định việc thay đổi hiện trạng các công trình có tuổi thọ cao, nằm trong khu vực phố cổ, phố cũ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Việt Nam) cho rằng, khi cấp phép cho xây dựng thì dứt khoát phải có đánh giá tác động môi trường của nhà đó xem có ảnh hưởng đến nhà bên cạnh không. Ngoài ra, quá trình thi công các công trình này phải được giám sát chặt chẽ bởi cơ quan có chuyên môn, đề phòng những tác động sai lệch, gây nguy hiểm đến công trình xung quanh.
Còn theo KTS Ngô Doãn Đức, đối với việc cải tạo các nhà cổ, nhà cũ, ngoài việc đánh giá tác động môi trường, cần thực hiện một số biện pháp kỹ thuật kèm theo để đảm bảo an toàn tối đa cho các nhà xung quanh. Cụ thể, trước khi phá dỡ nhà cũ hay đào móng mới, cần tiến hành làm khung thép đỡ cho các nhà cũ liền kề, tránh tác động đột ngột lên nền móng vốn yếu sẵn. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần có chế tài xử lý thật nặng, kiên quyết đối với các trường hợp xây dựng, cải tạo không phép trong khu vực phố cổ, phố cũ; không thể chờ đến khi tai nạn xảy ra thì mới chạy theo giải quyết thì không khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”!
Trong khi những quy định về xây dựng, cải tạo nhà cổ, nhà cũ được các chuyên gia chỉ ra chưa được hệ thống hóa và thực thi một cách chặt chẽ, người dân sẽ còn phải lo lắng, sợ hãi trong môi trường sống không an toàn với những công trình cũ có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
NGUYỄN LỘC