Công tác bảo vệ và phát triển rừng: Những thách thức không nhỏ
Xã hội - Ngày đăng : 14:00, 24/12/2015
(BKTO) - Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướngHoàng Trung Hải tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch bảo vệ và pháttriển rừng giai đoạn 2011-2020. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành Lâmnghiệp phải phấn đấu nâng độ che phủ rừng lên trên 42% vào năm 2020. Tuy nhiên,từ thực tế những năm qua, đạt được mục tiêu này là một thách thức không nhỏ.
Công tác bảo vệ, phòng, chống cháy rừng hiện gặp nhiều khó khăn, bất cập . Ảnh: TS
Nâng độ che phủ rừng lên trên 42%
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn 2016-2020, ngành Lâm nghiệp phải chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, phát triển lâm nghiệp nhanh, bền vững cả kinh tế - xã hội - môi trường. Chuyển mạnh mô hình tăng trưởng lâm nghiệp theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đưa tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 7%/năm; kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt khoảng 9,5 - 10 tỷ USD vào năm 2020; nâng độ che phủ rừng lên trên 42% vào năm 2020; tạo khoảng 4,5 - 5 triệu việc làm thường xuyên, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Không dừng lại ở đó, toàn ngành Lâm nghiệp còn phải thực thi các biện pháp bảo vệ, sử dụng hợp lý và bền vững 100% diện tích rừng hiện có và diện tích rừng được tạo mới. Đến năm 2020, diện tích rừng đạt khoảng 14,87 triệu ha, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng và quản lý lâm sản; phấn đấu trồng thêm 1.025.000 ha rừng (bình quân 205.000 ha/năm); nâng trữ lượng rừng tự nhiên là rừng sản xuất lên 20% so với năm 2015.
Ngành lâm nghiệp cũng được yêu cầu phải điều chỉnh cơ cấu sản phẩm gỗ và lâm sản, nhất là các sản phẩm xuất khẩu theo hướng tăng tỷ trọng giá trị lâm sản sử dụng nguồn nguyên liệu được gây trồng trong nước, phát triển hài hòa cả sản xuất đồ gỗ ngoại thất, nội thất, hạn chế tỷ trọng dăm gỗ trong cơ cấu giá trị lâm sản xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh giao, cho thuê rừng cho tổ chức, cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể và thực hiện phương thức đồng quản lý trong quản lý rừng.
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Theo báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân hằng năm tăng xấp xỉ hai lần so với giai đoạn 2006-2010, bình quân đạt 5,95%/năm. Giá trị xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng từ 4,2 tỉ USD năm 2011 lên 6,54 tỷ USD năm 2014, ước đạt khoảng 6,8 - 7 tỷ USD vào năm 2015. Cả nước đã trồng được 1.088.700 ha rừng tập trung, trong đó trên 90% là rừng sản xuất. Đặc biệt, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là thành tựu nổi bật trong 5 năm vừa qua, tổng số tiền thu từ DVMTR từ năm 2011 đến tháng 10/2015 là 5.015,97 tỷ đồng; bình quân mỗi năm thu trên 1.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát cũng chỉ rõ, mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng ngành Lâm nghiệp vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể: đóng góp của ngành Lâm nghiệp đối với phát triển kinh tế quốc dân còn thấp; năng suất, chất lượng rừng chưa cao, tính đa dạng sinh học của rừng tự nhiên vẫn còn suy giảm ở một số địa phương; đổi mới tổ chức quản lý, các hình thức tổ chức sản xuất còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng còn gặp nhiều bất cập. Thu nhập của người dân làm nghề rừng còn rất hạn chế.
Thực tế kết quả thực hiện độ che phủ rừng toàn quốc đã không đạt được như kế hoạch mục tiêu đã đề ra cho giai đoạn 2011-2015 là 42% do kết quả điều tra, kiểm kê rừng 5 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương bị sai lệch. So với kết quả kiểm kê rừng năm 2013 tại 5 tỉnh Tây Nguyên và một số địa phương, tổng diện tích rừng bị giảm mất 157.959 ha và tính chung cả giai đoạn thì tại khu vực Tây Nguyên giảm mất 318.000 ha. “Điều này cho thấy công tác kiểm kê, đo đạc rừng đã bị sai số rất lớn do quản lý thủ công” - Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh. Hiện công tác này đã triển khai kiểm kê bằng số hóa, vì vậy trong năm 2016, Bộ NN&PTNT sẽ phải hoàn thành công tác kiểm kê lại, bởi nếu không rà soát quy hoạch, hoàn thành kiểm kê rừng, số liệu không chính xác thì cũng không có được các giải pháp đúng.
Trước thực tế nhiều diện tích rừng bị chuyển mục đích sử dụng đã không được trồng thay thế đủ theo số lượng yêu cầu, đặc biệt là các dự án thủy điện, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam rà soát tình hình thực hiện trồng rừng thay thế, thực hiện chính sách chi trả DVMTR của các đơn vị trực thuộc; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những dự án không chấp hành trồng rừng thay thế, không thực hiện nghiêm túc chính sách chi trả DVMTR. Đồng thời, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cần đưa các chỉ tiêu, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng vào các Nghị quyết của địa phương và bố trí đủ vốn để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
THANH TÙNG