Đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng

Đối nội - Ngày đăng : 11:15, 01/04/2020

(BKTO) - Giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng tuy cao hơn so với cùng kỳ, nhưng vẫn chủ yếu giải ngân kế hoạch vốn năm 2019 còn lại, nên tỷ lệ giải ngân năm 2020 còn thấp.


                
   

Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn.

   

Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ giải ngân, nhất là các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Nhiều địa phương tích cực giải ngân

Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng đầu năm, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019 còn lại; phân bổ kế hoạch, nhập dự toán chi cho các dự án được bố trí kế hoạch; đồng thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2020 vẫn còn thấp.

Ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư năm 2020 của các Bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 31/3 là hơn 61.591 tỷ đồng, đạt 13,09% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, vốn trong nước giải ngân là hơn 58.595 tỷ đồng, vốn nước ngoài là hơn 2.995 tỷ đồng.

Cụ thể: Các Bộ, ngành Trung ương giải ngân đạt hơn 10.735 tỷ đồng, đạt 9,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ đạt 3,63% so với kế hoạch Quốc hội đã phân bổ và đạt 5,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Địa phương giải ngân đạt hơn 50.855 tỷ đồng, đạt hơn 14% kế hoạch Thủ tướng giao (xấp xỉ so với cùng kỳ năm 2019).

Trong đó, có 8 Bộ, ngành và 34 địa phương có số giải ngân đạt trên 15%. Có 3 Bộ, ngành và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 25% gồm: Ngân hàng phát triển (31,13%); Thanh tra Chính phủ (27,60%); Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (26,31%); Ninh Bình (47,75%); Nam Định (32,78%); Bình Thuận (29,32%); Thái Bình (27,13%); Lạng Sơn (26,16%); Sóc Trăng (25,62%). Tuy nhiên, có 29 Bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%. Trong đó, có 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn (tỷ lệ giải ngân đạt dưới 1%).

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm là do theo quy định tại Luật Đầu tư công, kế hoạch vốn năm 2019 được kéo dài sang năm 2020, nên các chủ đầu tư tập trung giải ngân vốn kéo dài của năm 2019, như tại Lào Cai, Thừa Thiên Huế. Một số các dự án được bổ sung kế hoạch từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia, nhưng đến nay chưa được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch, nên chưa đủ điều kiện giao kế hoạch vốn năm 2020, do đó chưa thể giải ngân. Bên cạnh đó, thời điểm nghỉ Tết Nguyên Đán trong quý I và diễn biến phức tạp của dịch Covid - 19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình thực hiện và thanh toán vốn. Một số dự án khởi công mới chưa hoàn thành các thủ tục chuẩn bị đầu tư, công tác lựa chọn nhà thầu, giải phóng mặt bằng còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Phải giao hết kế hoạch vốn trong tháng 3

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các dự án sử dụng từ nguồn dự phòng trung hạn và 10.000 tỷ đồng từ nguồn điều chỉnh giảm của các dự án quan trọng quốc gia để các bộ, ngành, địa phương có cơ sở giao kế hoạch vốn năm 2020.

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, cần khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, giao hết kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách năm 2020 ngay trong tháng 3/2020 theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tập trung chỉ đạo, sớm đưa vào sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng lớn, quan trọng, phát huy tối đa công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế-xã hội.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án quy mô lớn có tính chất lan tỏa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng, cả nước như: dự án cao tốc Bắc Nam, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành... Phải thực hiện xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết từng tháng cho các dự án, làm cơ sở để điều hành kế hoạch giải ngân, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu giải ngân theo đúng thời gian quy định.

Bộ Tài chính cũng đề nghị kiên quyết điều chỉnh kế hoạch vốn các dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai, sang các dự án có khả năng giải ngân cao. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo các chủ đầu tư, đơn vị liên quan làm việc với Kho bạc Nhà nước để mở mã cho các dự án khởi công mới đã được giao kế hoạch vốn; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu, làm thủ tục thanh toán ngay với Kho bạc Nhà nước, để không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán.

Theo ông Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công là rất đáng ngại, kéo dài nhiều năm qua. Mặc dù Chính phủ đã rất nỗ lực vào cuộc, đôn đốc, thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, tuy nhiên kết quả vẫn không khả quan. Ông Đỗ Văn Sinh cho rằng, có nhiều bộ, ngành, địa phương làm rất tốt, nhanh chóng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm, trong khi có nơi giải ngân chậm trễ. Do đó, nguyên nhân chính là ở khâu tổ chức thực hiện. Nhiều bộ, ngành, địa phương chậm phân bổ vốn, chuẩn bị dự án không đạt chất lượng, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, nghĩa là phải làm lại qua rất nhiều khâu, cũng dẫn tới chậm trễ giải ngân. Ông Đỗ Văn Sinh cho rằng, năm 2020, khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực, sẽ được tháo gỡ những bất cập trong công tác giải ngân, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.
         
Tại hội nghị trực tuyến “4 trong 1” giữa Chính phủ với các địa phương chiều 27/3, nhấn mạnh về giải ngân vốn đầu tư công, một kênh quan trọng cho tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta có khoảng 30 tỷ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay. 3 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn. Câu hỏi đặt ra là làm sao giải ngân hết số vốn này, Thủ tướng nói, lần này có chế tài mạnh như thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, phải kỷ luật như thế nào, điều chuyển vốn như thế nào? Thủ tướng yêu cầu một số bộ, ngành, cơ quan sử dụng nhiều vốn đầu tư phải có biện pháp mạnh mẽ.

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn