Vừa chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Đối nội - Ngày đăng : 12:55, 02/04/2020
(BKTO) - Mục tiêu "kép" trên tiếp tục được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020 vừa qua.
Toàn cảnh phiên họp - Ảnh: chinhphu.vn |
Phiên họp được kết nối trực tuyến tới 21 điểm cầu của các Bộ, cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ và TP. Hà Nội và TP. HCM.
Từ ngày 01-15/4 là giai đoạn quyết định để ngăn chặn dịch
Tại Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rõ về vấn đề cách ly toàn xã hội được đặt ra tại Chỉ thị số 16-CT/TTg ban hành ngày 31/3 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 (Chỉ thị 16).
Theo đó, cách ly toàn xã hội mang ý nghĩa là giữ khoảng cách trong xã hội để đối phó với tình huống nguy hiểm, bùng phát dịch bệnh, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng, không phải là ngăn cấm giao thông, chưa phải phong toả xã hội. Trong bối cảnh ấy, chúng ta vẫn phải duy trì sản xuất, lưu thông hàng hoá an toàn, nhất là hàng thiết yếu, vật tư y tế, hàng hoá xuất khẩu, duy trì xuất khẩu bình thường bằng đường biển, đường bộ. Ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để làm việc tại nhà nhưng vẫn bảo đảm tốt tiến độ, chất lượng công việc.
Chỉ thị 16 có hiệu lực trong vòng 15 ngày, từ ngày 01/4 đến 15/4, đây là khoảng “thời gian vàng” để hạn chế tối đa dịch bệnh lây nhiễm ra cộng đồng. “Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân” - Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời khẳng định: “Chính phủ Việt Nam chủ động kiểm soát mọi tình hình”.
“15 ngày tới có ý nghĩa quyết định việc dịch có bùng phát trên diện rộng hay không ở nước ta”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh. |
Trong 15 ngày tới là giai đoạn quyết định để ngăn chặn dịch. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện nghiêm các chủ trương, biện pháp mà Chính phủ đã đề ra; tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ những giải pháp để ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và tại nơi công cộng, tích cực chấp hành việc khai báo y tế tự nguyện.
Chăm lo an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế quý I/2020 tuy chỉ đạt mức tăng trưởng 3,82%, thấp nhất trong 10 năm qua song trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn và dịch bệnh nhưng vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương. Công nghiệp chế biến, chế tạo tuy không tăng cao nhưng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, tiêu dùng và xuất khẩu tăng nhẹ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện, đạt 13,09% kế hoạch (cùng kỳ 12,97%). Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được bảo đảm. |
Bước sang quý II, kinh tế - xã hội Việt Nam dự kiến sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; dịch COVID-19 đang diễn biến rất nhanh, khó dự báo thời điểm đỉnh dịch và thời điểm kết thúc. DN đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động; các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; áp lực kiểm soát lạm phát; tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.
Quý I tăng trưởng đạt 3,82% là một sự cố gắng lớn, dẫn đầu khu vực trong bối cảnh nhiều nước tăng trưởng âm, bằng 0 và thấp hơn. Ghi nhận sự nỗ lực này, Thủ tướng nhấn mạnh, trong quý II, các Bộ, ngành phải hết sức quan tâm chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm cuộc sống tối thiểu của những người bị tác động nặng bởi dịch COVID-19, cùng với đó là bảo đảm an ninh trật tự cho người dân, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đầu tư công trên mọi khía cạnh; quan tâm tìm nguồn lực, tìm thị trường để tiếp tục phát triển, đi lên.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, chủ động, linh hoạt; nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, khơi thông các động lực cho tăng trưởng; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; giữ ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, thị trường ngoại hối; đảm bảo thanh khoản; thực hiện chính sách miễn, giảm thuế phí, giảm giá một số dịch vụ thiết yếu; xây dựng phương án tiết kiệm chi NSNN, đảm bảo đủ kinh phí phục vụ phòng, chống dịch.
Trong thời gian dịch bệnh COVID-19, phải bảo an ninh lương thực phục vụ hằng ngày cho người dân, bảo đảm kế hoạch sản xuất nông nghiệp cũng như kiểm soát, bảo đảm giá cả thị trường nông sản. Phát triển mạnh mẽ thị trường thương mại trong nước. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, học trực tuyến; nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là lĩnh vực liên quan đến y tế, sức khỏe. Tăng cường quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Đấu tranh, kiểm soát thông tin trên mạng, ngăn chặn thông tin sai sự thật về dịch bệnh gây hoang mang trong xã hội, xử lý nghiêm các vi phạm.
Về Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Thủ tướng quán triệt, nguyên tắc hỗ trợ là chỉ hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập; mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 gây ra; không hỗ trợ dàn trải mọi đối tượng; bảo đảm nguyên tắc chia sẻ khó khăn, Nhà nước và DN cùng chia sẻ trách nhiệm, trong đó, Chính phủ chỉ hỗ trợ một phần với mức phù hợp với khả năng nguồn lực; việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách.
HỒNG NHUNG