Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C: Kỳ I - Công trình có tổng mức đầu tư lớn nhưng còn tính toán chưa hợp lý

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 08:30, 06/04/2020

(BKTO) - Dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Thịnh trên Quốc lộ 2C do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư và đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án (QLDA) Thăng Long. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các đô thị, tỉnh lỵ xung quanh Thủ đô Hà Nội. Qua kiểm toán Dự án này, KTNN một mặt ghi nhận những kết quả tích cực đã làm được, nhưng mặt khác cũng chỉ ra nhiều hạn chế, sai sót.



Cầu Vĩnh Thịnh thời kỳ còn đang thi công. Ảnh tư liệu

Điều chỉnh tổng mức đầu tưtăng hơn 503 tỷ đồng

Cầu Vĩnh Thịnh thuộc tuyến đường vành đai V - Hà Nội vượt sông Hồng thay thế phà Vĩnh Thịnh để hoàn thiện tuyến đường vành đai liên kết các đô thị vệ tinh vùng Thủ đô Hà Nội. Cây cầu giúp đảm bảo giao thông liên tục ngay trong mùa mưa lũ, giảm sự tập trung quá tải vào Thủ đô Hà Nội. Trong tương lai, công trình này cũng nằm trong tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai với đường Hồ Chí Minh (cao tốc Bắc - Nam, nhánh phía Tây), cũng như kết nối hai vùng đất lịch sử là Đền Hùng (Phú Thọ) và Đường Lâm (Sơn Tây), có ý nghĩa lớn về văn hóa, du lịch.

Về quy mô xây dựng, điểm đầu của cầu nằm ở phía Hà Nội, nút giao Quốc lộ 32 tại Km4+313 (thị xã Sơn Tây); điểm cuối nằm ở phía Vĩnh Phúc, vượt qua đê tả sông Hồng về phía Vĩnh Phúc khoảng 200m tại Km9+800 (huyện Vĩnh Tường). Tổng chiều dài Dự án là 5.487m. Ngoài phần đường dẫn hai đầu cầu, cầu có chiều dài khoảng 4.480m, thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng toàn cầu là 16,5m. Phần cầu chính có sơ đồ nhịp dạng dầm hộp liên tục bằng bê tông cốt thép dự ứng lực, thi công theo phương pháp đúc hẫng cân bằng. Phần cầu dẫn dùng dầm Super-T, bao gồm 7 nhịp, bản mặt cầu bằng bê tông cốt thép.

Dự án cầu Vĩnh Thịnh đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý đưa vào danh mục dự án vận động vốn vay ưu đãi của Hàn Quốc tại Văn bản số 1775/VPCP-QHQT ngày 23/3/2009 theo đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ GTVT. KTNN đánh giá, Dự án đã được lập phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông đường bộ, cụ thể là tại Quyết định số 90/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và Quyết định số 490/2008/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Công tác lập Dự án tuân thủ theo các quy định về QLDA đầu tư. Thuyết minh Dự án đầu tư có đầy đủ nội dung về phương án tuyến, vị trí, quy mô xây dựng, việc kết nối các hạng mục công trình với hạ tầng kỹ thuật của khu vực. Thiết kế cơ sở của Dự án cơ bản được lập phù hợp với quy chuẩn và danh mục tiêu chuẩn của Dự án đã được phê duyệt.

Thực hiện theo Quyết định số 1654/QĐ-BGTVT ngày 26/7/2011, tổng mức đầu tư Dự án được điều chỉnh là 2.827 tỷ đồng, tăng 503,3 tỷ đồng so với Quyết định phê duyệt Dự án ban đầu. Nguyên nhân điều chỉnh tổng mức đầu tư gồm: chi phí xây dựng tăng 367,2 tỷ đồng do cập nhật chi tiết khối lượng theo thiết kế kỹ thuật, cập nhật đơn giá theo thời điểm điều chỉnh; chi phí QLDA tăng 3,1 tỷ đồng; chi phí tư vấn và chi phí khác tăng 73 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng tăng 66 tỷ đồng; chi phí dự phòng giảm 6,2 tỷ đồng do loại bỏ chi phí dự phòng cho phần khối lượng đã điều chỉnh theo thiết kế kỹ thuật và tính toán lại hệ số chi phí dự phòng.

KTNN phát hiện sai sóttrong tính toán, dự toán

KTNN xác nhận, trong quá trình triển khai Dự án, đơn vị đã thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư 1 lần. Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đảm bảo trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định, nhưng còn chưa phù hợp với quy định về các nội dung được điều chỉnh theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 112/2009/NĐ-CP. Đồng thời, KTNN phát hiện việc tính toán, xác định tổng mức đầu tư điều chỉnh của Dự án có một số sai sót làm tăng tổng mức đầu tư hơn 204,5 tỷ đồng (trong đó, sai đơn giá hơn 67,4 tỷ đồng, sai định mức 22,3 tỷ đồng, sai khối lượng hơn 60,3 tỷ đồng và sai khác hơn 54,4 tỷ đồng).

Kết quả kiểm toán cho thấy, tính đến thời điểm 31/3/2018, nguồn vốn đầu tư của Dự án cầu Vĩnh Thịnh là 2.199,9 tỷ đồng (số báo cáo là 2.199,7 tỷ đồng); KTNN đã kiến nghị giảm trừ hơn 207,4 tỷ đồng chi phí đầu tư dự án (trong đó chủ yếu liên quan đến chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư và chi phí xây lắp) trong tổng số chi phí đầu tư được báo cáo là 2.199,8 tỷ đồng.

Ghi nhận những mặt làm được trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, cũng như nội dung, chất lượng thiết kế..., nhưng KTNN cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, giải pháp thiết kế xử lý nền đất yếu bằng phương pháp đào thay đất đoạn đường dẫn (lý trình Km9+623 đến Km9+710) chưa tuân thủ Quy trình khảo sát thiết kế nền đường ô tô đắp trên nền đất yếu 22TCN-262-2000, làm tăng giá trị dự toán hơn 216 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác nối thép trong thiết kế gia công thép chủ D32 cọc khoan nhồi đường kính D2000 vượt quá quy định tại Bảng 8 TCVN 4453-1995 làm tăng giá trị dự toán 1,1 tỷ đồng.

Trong công tác lập dự toán cũng còn một số sai sót, qua kiểm toán, KTNN đã phát hiện và giảm trừ 126,9 tỷ đồng, tương đương 5,8% giá trị dự toán duyệt, trong đó, sai khối lượng hơn 15,3 tỷ đồng, sai đơn giá 91,2 tỷ đồng và sai khác hơn 20,3 tỷ đồng. Cụ thể, sai sót chủ yếu xảy ra tại gói thầu số 7 do tính sai khối lượng so với thiết kế kỹ thuật được duyệt, áp dụng sai đơn giá máy khoan thi công cọc khoan nhồi, áp nhầm giá cho đơn vị tính 1 m3 cho 1kg vữa không co ngót, áp đơn giá ống chịu nhiệt cho ống nhựa thường theo thiết kế, áp dụng định mức công tác ván khuôn dầm không phù hợp, tính trùng chi phí hạng mục cung cấp và duy trì thí nghiệm hiện trường. Kết quả là dự toán tính lại sau khi loại trừ các sai sót này vẫn lớn hơn giá trị trúng thầu được duyệt.(Kỳ sau đăng tiếp)
         
Theo kế hoạch, thời điểm khởi công Dự án cầu Vĩnh Thịnh là tháng 12/2011 và hoàn thành vào tháng 6/2015. Qua thực tế kiểm toán, KTNN ghi nhận, Dự án đã được nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng ngày 13/10/2014, vượt tiến độ đề ra.
QUỲNH ANH