Điều chỉnh nội dung dạy học: Không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung đã tinh giản
Xã hội - Ngày đăng : 08:55, 06/04/2020
(BKTO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Công văn Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 cho các cấp học: Tiểu học, Trung học cơ sở (THCS), Trung học phổ thông (THPT). Trong đó, Bộ đề nghị không tổ chức kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung, kiến thức đã tinh giản.
Ảnh minh họa
Điều chỉnh nội dung 9 môn của cấp Tiểu học
Bộ GD&ĐT cho biết, trước tình trạng học sinh phải nghỉ học dài do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Bộ đã điều chỉnh chương trình khung năm học lần thứ 2; ban hành Công văn Hướng dẫn dạy học qua truyền hình, internet cho học sinh phổ thông trong thời gian nghỉ học. Để đảm bảo hoàn thành chương trình giáo dục và kết thúc năm học vào ngày 15/7 tới, Bộ đã thực hiện điều chỉnh để tinh giản một số nội dung dạy học các môn của học kỳ II năm học 2019-2020.
Theo đó, nội dung tinh giản tập trung ở các lớp cuối của mỗi bậc học, đặc biệt là ở bậc trung học. Việc cắt giảm đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên yêu cầu tối thiểu cần đạt với mỗi môn học/lớp học, chỉ tinh giản nội dung nâng cao, nội dung trùng lặp giữa các môn học. Một số nội dung được tích hợp theo các chủ đề để tiết kiệm thời gian, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, các cơ sở giáo dục tổ chức đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh bằng các phương pháp, kỹ thuật, công cụ khác nhau phù hợp với tình hình thực tế và đúng quy định. Không tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá vào các bài hoặc nội dung, yêu cầu đã được giảm bớt; các bài không dạy hoặc đã chuyển thành đọc thêm, tự chọn, tự học. Nội dung các bài dạy qua internet, trên truyền hình cũng căn cứ vào Hướng dẫn điều chỉnh này để xây dựng bài giảng.
Cụ thể, ở bậc Tiểu học (từ lớp 1 đến lớp 5), có 9 môn học được điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II, gồm: Toán; Tiếng Việt; Khoa học; Đạo đức; Tự nhiên và Xã hội; Lịch sử và Địa lý; Âm nhạc; Thủ công/Kỹ thuật; Thể dục. Bộ GD&ĐT cho biết, mặc dù tinh giản nhưng nội dung các môn học vẫn đảm bảo mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp Tiểu học hiện hành theo quy định của Luật Giáo dục. Đồng thời, các môn học đảm bảo tính logic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các khối lớp trong cùng môn học, các môn học trong cùng khối lớp và cấp học; thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện tại các cơ sở giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, phân cấp trong quá trình thực hiện. Bộ GD&ĐT cũng lưu ý, đối với môn Tiếng Việt lớp 1, căn cứ vào trình độ học sinh và giáo viên, các nhà trường chủ động phân phối nội dung, thời lượng dạy học, đảm bảo học sinh đạt được các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng một cách chắc chắn, không để tình trạng học sinh không biết đọc, biết viết khi lên lớp 2…
Sẽ sớm xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia
Tương tự, với bậc THCS và THPT (từ lớp 6 đến lớp 12), Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT yêu cầu, đối với các môn học thực hiện theo chương trình nâng cao, cơ sở giáo dục trung học căn cứ vào Phụ lục tinh giản chương trình để chủ động điều chỉnh nội dung dạy học tương ứng, phù hợp theo đặc thù của môn học. Riêng các môn học: thể dục, âm nhạc, mỹ thuật, Bộ đề nghị các đơn vị chủ động điều chỉnh nội dung và hình thức tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng cơ sở giáo dục. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, sau khi chương trình học được tinh giản, giảm tải, Bộ sẽ xây dựng ma trận đề thi THPT quốc gia. Đề thi tham khảo cũng được Bộ xây dựng trên cơ sở đồng bộ với việc tinh giản chương trình để làm tài liệu ôn tập cho học sinh.
Trước đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, Bộ đã huy động giáo viên có kinh nghiệm từ các trường phổ thông, chuyên gia giáo dục, tác giả tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa (SGK) để thành lập các tiểu ban cùng rà soát thống nhất tinh giản một số nội dung dạy học. Căn cứ vào chương trình và đối chiếu với SGK, các tiểu ban sẽ đưa ra các nội dung trong sách đang ở mức vận dụng cao để tinh giản; đồng thời rà soát để tích hợp các bài học trong SGK thành các bài học theo chủ đề nhằm hướng dẫn các địa phương dạy học sao cho tiết kiệm thời gian, thiết kế các bài giảng trên internet và trên truyền hình để học sinh tự học nhiều hơn. “Có những nội dung giao thoa giữa môn này và môn kia, nếu trước đây có thời gian thì vẫn giữ lại các phần này. Tuy nhiên, do thực tiễn học sinh nghỉ học dài ngày nên các tiểu ban đã bàn bạc bỏ hẳn một, hai môn, chỉ giữ lại để dạy trong một môn chiếm ưu thế; đồng thời, hạ thấp một số yêu cầu cần đạt của học sinh. Tức là vẫn yêu cầu học sinh đạt những kiến thức cơ bản nhưng có thể giảm phần nâng cao” - ông Thành cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc tinh giản chương trình học để giảm tải việc học, thi trong thời điểm hiện nay là chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục. Đây được xem là tín hiệu vui cho học sinh và cả phụ huynh, khi hơn 2 tháng qua các trường học đóng cửa; học sinh phổ thông, đặc biệt là học sinh lớp 9 và lớp 12 bị ảnh hưởng không nhỏ khi đang trong giai đoạn “nước rút” ôn tập thi chuyển cấp và thi THPT quốc gia.
LÊ HÒA