Đồng lòng, hợp tác chặt chẽ để vượt qua thách thức
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:30, 06/04/2020
(BKTO) - Ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg về việc quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân tiếp tục quán triệt tinh thần “chống dịch như chống giặc”, chấp nhận thiệt hại về kinh tế để phòng chống dịch; bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của nhân dân…
Dịch Covid-19 đã, đang và sẽ tiếp tục gây ra hàng loạt vụ phá sản ở mỗi quốc gia, cũng như trên toàn cầu; gia tăng áp lực bảo đảm an sinh, thu nhập, việc làm theo cả quy mô quốc gia và quốc tế. Trong bối cảnh đó, nhiều nước đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD để giúp DN và người lao động vượt qua khó khăn trước mắt…
Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng kinh tế và lao động do dịch Covid-19 gây ra có thể làm tăng thêm 25 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu, so với số lượng người thất nghiệp sẵn có là 188 triệu trong năm 2019. Dự kiến sẽ có thêm từ 9 - 35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới và làm gia tăng bất bình đẳng xã hội. ILO cũng kêu gọi thực hiện các biện pháp khẩn cấp, quyết đoán, trên diện rộng và đồng bộ ở cả ba trụ cột: bảo vệ người lao động tại nơi làm việc, kích thích nền kinh tế và việc làm, hỗ trợ việc làm và thu nhập. Những biện pháp bao gồm: mở rộng an sinh xã hội; hỗ trợ khả năng giữ việc làm (như: giảm thời giờ làm việc, nghỉ phép có lương, và các trợ cấp khác); giảm thuế và hỗ trợ tài chính cho các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa; hỗ trợ cho vay và hỗ trợ tài chính đối với một số ngành kinh tế cụ thể; tăng cường đối thoại xã hội - đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ; xây dựng niềm tin của công chúng và các tiêu chuẩn lao động quốc tế cập nhật…
Cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là một thử thách lớn và đặc biệt cho mỗi quốc gia, DN, cũng như từng người dân. Bởi vậy, cần sự đồng lòng và hợp tác chặt chẽ của tất cả các bên có liên quan nhằm triển khai đồng bộ những biện pháp đặc biệt, vượt qua những thách thức cả về tính mạng con người, cũng như sự suy giảm cả tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, gắn với sự đóng băng các giao thương, tiếp xúc xã hội quốc gia và quốc tế…
Trong bối cảnh và với tinh thần đó, Ngân hàng Nhà nước và nhiều ngân hàng thương mại, cùng các Bộ, ngành chức năng Việt Nam đã và đang có nhiều động thái khá kịp thời hỗ trợ DN và người dân về tín dụng, tài chính. Tuy nhiên, phát biểu kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn tiếp tục nhấn mạnh: Phải nâng gói hỗ trợ của các đơn vị được báo cáo nhiều hơn, “số hiện nay còn quá ít”. Phải làm sao nhân dịp này tái cơ cấu lại DN và nền kinh tế, tái cơ cấu thị trường, tổ chức lại sản xuất, đào tạo… Chúng ta lo phát triển sản xuất và phải lo cả đời sống nhân dân, làm sao bảo đảm cung cấp đầy đủ hàng hóa cho người dân trong lúc diễn ra dịch và sau dịch…
Đây là một chủ trương tỉnh táo, đúng đắn, quyết đoán, mang tầm chiến lược, bắt kịp xu hướng chung thế giới, đáp ứng trúng yêu cầu thực tiễn và nguyện vọng của cộng đồng DN, người dân Việt Nam; do đó, cần sớm được hiện thực hóa một cách nghiêm túc, khoa học và hiệu quả nhất, không được trục lợi và tham nhũng, như nghiêm lệnh của Thủ tướng Chính phủ...
TS. NGUYỄN MINH PHONG
Chuyên gia Kinh tế