BoE sẽ không in tiền để tăng ngân sách chống dịch COVID-19
Đối ngoại - Ngày đăng : 16:05, 06/04/2020
(BKTO)- Thống đốc Ngân hàng Trung ương Vương quốc Anh (BoE) Andrew Bailey ngày 5/4 (giờ địa phương) cho biết cơ quan này sẽ không in tiền để tăng ngân sách ứng phó các tác động kinh tế của dịch viêm đường hô hấp Covid-19.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) - Nguồn: Sưu tầm. |
BoE hồi tháng 3/2020 đã tăng quy mô chương trình mua trái phiếu thêm 200 tỷ Bảng (tương đương 245,2 tỷ USD), tương tự các động thái trước đó của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) giữa bối cảnh các ngân hàng trên thế giới đang nỗ lực ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế sâu rộng.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak thông báo nước này sẽ trả 80% mức lương cho người lao động tạm thời nghỉ việc với hy vọng sẽ sớm đưa họ trở lại làm việc khi dịch bệnh kết thúc.
Động thái mang tính lịch sử nói trên là một phần trong một loạt biện pháp khẩn cấp sẽ “tiêu tốn” ít nhất 60 tỷ Bảng trong giai đoạn nguồn thu từ thuế của Anh sụt giảm.
Ông Bailey thừa nhận thế giới đang đối mặt với một thời kỳ rất bất ổn và cho hay sẽ không tán thành bất kỳ lời kêu gọi nào về việc BoE in tiền để hỗ trợ ngân sách chính phủ.
Theo ông Bailey, điều này sẽ tác động tiêu cực tới sự tín nhiệm đối với khả năng kiểm soát lạm phát của BoE khi làm giảm tính độc lập trong hoạt động của cơ quan này, từ đó dẫn tới sự thiếu bền vững về tài chính và không phù hợp với việc theo đuổi mục tiêu lạm phát của một ngân hàng trung ương hoạt động độc lập.
Khi BoE thông báo kế hoạch mở rộng quy mô chương trình mua trái phiếu lên 645 tỷ Bảng vào ngày 19/3, trong đó hầu hết là trái phiếu chính phủ, ông Bailey nhấn mạnh rằng ông không "xem nhẹ" những quan ngại của các quan chức ngân hàng về vấn đề in tiền nhờ những kinh nghiệm rút được trong lịch sử hoạt động của BoE.
Ý tưởng về việc các ngân hàng trung ương hỗ trợ chính phủ tăng cường chi tiêu ngân sách đã làm dấy lên những quan ngại về nguy cơ lạm phát gia tăng trong tương lai với những bài học kinh nghiệm từ tình trạng siêu lạm phát ở Đức trong thập niên 1930 và Zimbabwe trong thập niên 1990.
Ông Bailey cho biết BoE vẫn hoàn toàn kiểm soát thời điểm và mức độ hợp lý trong việc tăng nguồn tài chính để mua trái phiếu và sẽ không để ảnh hưởng tới mục tiêu lạm phát 2%.
Theo VN+