Giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật KTNN
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:15, 11/06/2015
(BKTO)- Ngày 09/6, Thường trực Ủyban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội đã tổ chức phiên họp mở rộng choý kiến về Dự án Luật KTNN (sửa đổi).
Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: NGUYÊN HỒNG
Khẳng định giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán
Tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS của Quốc hội Bùi Đặng Dũng cho biết, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, sau khi Quốc hội thảo luận cho ý kiến về Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi), cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã phối hợp nhằm rà soát nghiên cứu một cách thận trọng, nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) để tiếp thu chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo Luật. Trên cơ sở đó, các đại biểu tham dự phiên họp đã tập trung thảo luận, cho ý kiến nhằm làm rõ các vấn đề thống nhất tiếp thu, các vấn đề cần giải trình.
Liên quan đến quy định về nguyên tắc hoạt động của KTNN, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “nhanh chóng, kịp thời”, bổ sung nguyên tắc “không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được KTNN”, đa số các đại biểu cho rằng, điều này đã được thể hiện trong Dự thảo Luật với các quy định nghiêm cấm KTNN, Kiểm toán viên (KTV) Nhà nước và cộng tác viên KTNN can thiệp trái pháp luật vào hoạt động bình thường, gây phiền hà, sách nhiễu đối với đơn vị được kiểm toán, còn khi KTNN thực hiện kế hoạch kiểm toán của mình sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng nhất định đến hoạt động bình thường của đơn vị được kiểm toán.
Vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của ĐBQH là quy định về giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán, với đề nghị cân nhắc quy định về nội dung này bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau. Qua thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đề xuất giải trình vấn đề này theo hướng: Luật quy định bắt buộc đơn vị được kiểm toán phải thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN nếu có sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị mình. Nếu quy định Báo cáo kiểm toán chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện khi được cơ quan có thẩm quyền (ngoài KTNN) phê duyệt thì sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, không đảm bảo tính kịp thời trong việc thực thi và khắc phục những khuyết điểm, sai phạm trong kỷ luật tài chính. Đồng thời, việc quy định có tính chất bắt buộc, vừa góp phần đề cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của KTNN về Báo cáo kiểm toán.
Theo các đại biểu, Báo cáo kiểm toán có tính đặc thù, là một chỉnh thể hoàn chỉnh, không thể tách rời giá trị pháp lý của phần kết luận, kiến nghị trong Báo cáo kiểm toán. Hơn nữa, thực tế quá trình thực thi Luật KTNN hiện hành, quy định về giá trị của Báo cáo kiểm toán không có vướng mắc gì. Do đó, các đại biểu đề nghị nên giữ nguyên quy định trong Dự thảo Luật. Bên cạnh đó, một số đại biểu đề nghị, cần quy định rõ trong kiến nghị kiểm toán phải nêu đầy đủ kiến nghị về: xử lý tài chính, điều chỉnh cơ chế chính sách và xử lý trách nhiệm cán bộ để xảy ra sai phạm để đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đầy đủ kiến nghị của KTNN.
Trách nhiệm của KTNN thể hiện rõ theo thứ bậc
Về trách nhiệm của KTNN, ý kiến một số ĐBQH cho rằng, quy định về trách nhiệm của KTNN trong Dự thảo Luật chưa rõ ràng, chưa gắn kết tương xứng với nhiệm vụ và quyền hạn của KTNN. Thảo luận về nội dung này tại phiên họp, các đại biểu cho rằng: Theo quy định của Dự thảo Luật, KTNN được tổ chức và quản lý tập trung; Tổng Kiểm toán Nhà nước là người đứng đầu chịu trách nhiệm về tổ chức và hoạt động của KTNN. Do đó, cơ chế trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ của KTNN trước hết thuộc về trách nhiệm của Tổng Kiểm toán Nhà nước là rất lớn, đặc biệt là quy định “Tổng Kiểm toán Nhà nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung Báo cáo kiểm toán của KTNN”.
Bên cạnh đó, trong hoạt động kiểm toán, cơ chế trách nhiệm đã được quy định theo thứ bậc từ thấp đến cao trong Dự thảo Luật (trách nhiệm của các thành viên Đoàn kiểm toán không phải là KTV; thành viên Đoàn kiểm toán là KTV; Tổ trưởng Tổ kiểm toán; Trưởng Đoàn kiểm toán và Tổng Kiểm toán Nhà nước). Đồng thời việc quy định có tính bắt buộc đơn vị được kiểm toán phải thực hiện nếu có sai phạm đã thể hiện trách nhiệm cao nhất của KTNN trong việc đưa ra các kết luận, kiến nghị trong Báo cáo kiểm toán.
Liên quan đến ý kiến của một số ĐBHQ về vấn đề trách nhiệm liên đới của KTNN đối với sai phạm của đơn vị được kiểm toán, các ý kiến thảo luận tại phiên họp đều thống nhất cho rằng quy định này là không hợp lý, bởi hoạt động kiểm toán khác hoàn toàn với hoạt động điều tra, thanh tra. Hoạt động kiểm toán chỉ xác nhận về tính đúng đắn về mặt số liệu do đơn vị được kiểm toán cung cấp, không tiến hành điều tra, thanh tra để xác minh. Trong trường hợp cơ quan khác phát hiện ra KTNN cố tình che giấu sai phạm của đơn vị được kiểm toán thì đã được quy định trong Dự thảo Luật về các hành vi bị nghiêm cấm.
Đối với quy định về kiểm toán DN có quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước, một số ĐBQH đề nghị những DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống nên để cho kiểm toán độc lập thực hiện, khi thấy cần thiết KTNN chỉ thẩm tra kết quả kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập. Tại phiên họp, các đại biểu thống nhất theo hướng, để phù hợp với năng lực của KTNN hiện nay và tình hình quản lý DN nói chung trong nền kinh tế, đối với DN do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, KTNN vẫn kiểm toán toàn diện như Luật hiện hành; đối với DN do Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, DN có quyền lựa chọn đơn vị kiểm toán nhưng trong trường hợp cần thiết, KTNN có thể thực hiện kiểm toán theo quy định của Hiến pháp.
Trên cơ sở kết quả phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Phùng Quốc Hiển yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp để khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật KTNN (sửa đổi) và Báo cáo giải trình, tiếp thu để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội thông qua.
NGUYỄN HỒNG