Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình, tỉnh Bình Định Kỳ 2: Đáp ứng được các mục tiêu đề ra

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:20, 11/06/2015

(BKTO)- Đến thời điểm kiểm toán, tuy Dự án thủy lợi Hồ chứa nước Định Bình, tỉnhBình Định (Dự án) chưa hoàn thành tất cả các hạng mục, song theo đánh giá củaKTNN, các công trình đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đã đem lại hiệu quảkinh tế xã hội cao, đáp ứng được các mục tiêu của Dự án.



Đập dâng Văn Phong và Nhà máy thủy điện ở chân đập đã tận dụng tốt nguồn nước tưới của hồ Định Bình. Ảnh: T.S
Đảm bảo nước tưới, nước sinh hoạt và điều tiết lũ

Theo Báo cáo kiểm toán, đến thời điểm kiểm toán, chỉ còn hệ thống kênh tưới Văn Phong (bao gồm công trình đập dâng Văn Phong và hệ thống kênh tưới Văn Phong) thuộc Hợp phần khu tưới của Dự án là đang trong quá trình thi công; các nội dung còn lại đều đã hoàn thành. Cụ thể, công trình đầu mối hồ chứa nước Định Bình đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng từ tháng 6/2009, đã tích nước đảm bảo theo đúng thiết kế, đáp ứng các mục tiêu của Dự án là chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn, giảm nhẹ lũ chính vụ, ổn định nguồn nước tưới cho vùng hạ du. Việc kết hợp đầu tư nhà máy thủy điện ở chân đập đã tận dụng tốt nguồn nước tưới của hồ Định Bình và đập dâng Văn Phong. Các hệ thống kênh Hà Thanh, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Thạnh (với tổng chiều dài 66,4km) đã hoàn thành đưa vào sử dụng vượt tiến độ từ 5 đến 6 tháng.

Đánh giá chung về mục tiêu cung cấp nước tưới cho nông nghiệp, KTNN cho rằng, các hạng mục hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy được tác dụng, cơ bản đáp ứng được mục tiêu cung cấp nước tưới cho nông nghiệp theo thiết kế của Dự án. Nhờ đó, tình hình tưới ở khu vực này chủ động hơn, hạn chế được tình trạng hạn, úng; diện tích tưới ổn định với tổng diện tích đất canh tác được cung cấp nước tưới là hơn 18.000 ha (đạt 64,24% mục tiêu đề ra).

Hơn thế nữa, việc đất nông nghiệp được tưới chủ động, kịp thời theo mùa vụ, điều tiết lũ sớm, lũ muộn qua hệ thống tràn xả lũ của công trình đầu mối làm giảm ảnh hưởng của lũ lụt, đã tạo điều kiện cho công tác thâm canh, sử dụng giống mới, cây lúa sinh trưởng tốt nên năng suất lúa tăng rõ rệt. Theo số liệu thống kê ở vùng Tân An - Đập Đá, năng suất lúa năm 2011, vụ đông xuân là 6,92 tấn/ha (tăng 33% so với năng suất lúa các năng suất lúa bình quân các năm trước đó là 5,2 tấn/ha); vụ hè thu đạt 6,6 tấn/ha (tăng 53,4% so với năng suất lúa bình quân các năm trước đó 4,3 tấn/ha).

Đặc biệt, từ khi công trình đầu mối Hồ chứa nước Định Bình đưa vào sử dụng đã đáp ứng tốt mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư trong vùng Dự án, cụ thể như Nhà máy nước Quy Nhơn đã đảm bảo cung cấp nước ổn định cho thành phố Quy Nhơn, với lượng nước cấp cả năm đạt 7,7 triệu m3. Ngoài ra, nhờ nguồn nước ổn định của sông Côn được điều tiết qua đập Định Bình làm cho mực nước ngầm vùng hạ du tăng, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân trong vùng thông qua hệ thống giếng đào, giếng khoan, với lượng nước cấp cả năm đạt 8,7 triệu m3. Công trình cấp nước sinh hoạt huyện lỵ Vĩnh Thạnh có nguồn nước khai thác ổn định hơn, không bị cạn kiệt vào mùa nắng hạn, góp phần nâng tỷ lệ người dân vùng Dự án được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 72% (năm 2009) lên 89% (năm 2012). Việc cung cấp nước sinh hoạt cho dân cư sẽ tiếp tục được nâng lên hơn nữa khi hệ thống kênh tưới Văn Phong hoàn thành.

Theo kết quả kiểm toán ở mục tiêu điều tiết lũ, sau khi công trình Hồ chứa nước Định Bình hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng, công trình đã phát huy tác dụng, cơ bản đảm bảo được mục tiêu đề ra, điều tiết được một phần lũ chính vụ, lũ muộn và chống được lũ sớm, lũ tiểu mãn do một lượng nước lớn được trữ lại lòng hồ, bảo vệ an toàn cho sản xuất ở hạ du. Theo số liệu thống kê, đo đạc thực tế của các trạm thủy văn ở các đơn vị quản lý, khai thác về thời gian lũ đến, điều tiết lưu lượng lũ, cao trình đỉnh lũ cho thấy, sau khi công trình đầu mối Hồ chứa nước Định Bình đưa vào sử dụng, chưa có một thiệt hại lớn nào do lũ gây ra cho vùng Dự án. Hơn nữa, khi xuất hiện lũ thì lưu lượng nước xả về hạ lưu thường thấp hơn nhiều so với lượng nước đến hồ. Việc điều tiết lũ của công trình cũng đã góp phần hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra.

KTNN nhận định khi hạng mục kênh tưới Văn Phong được hoàn thành và đưa vào sử dụng, những mục tiêu còn lại của Dự án sẽ cơ bản đáp ứng được đầy đủ.

Nghiêm túc khắc phục hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những hiệu quả kinh tế xã hội to lớn của Dự án, kết quả kiểm toán cũng đã chỉ ra một số hạn chế, tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện Dự án. Tuy nhiên, theo Báo cáo kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN năm 2014, các Ban quản lý Dự án đã cơ bản thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của KTNN nêu lên tại Báo cáo kiểm toán Dự án. Cụ thể, các Ban quản lý Dự án đã có các văn bản chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện nghiêm túc công tác quản lý dự án đầu tư; chỉ đạo các bộ phận chức năng chấn chỉnh công tác quản lý khối lượng, đơn giá nghiệm thu, thanh toán. Cùng với đó, Ban quản lý Dự án đã tiến hành rà soát, đánh giá, xác định nguyên nhân chậm tiến độ của các gói thầu và có văn bản chỉ đạo các bộ phận chức năng đề ra một số giải pháp tăng cường chỉ đạo thực hiện Dự án để đẩy nhanh tiến độ. Cũng từ kiến nghị của KTNN, Ban quản lý dự án kênh tưới Văn Phong đã tổ chức họp kiểm điểm rút kinh nghiệm về công tác quản lý khối lượng và đơn giá nghiệm thu thanh toán; xác định trách nhiệm và hình thức kỷ luật đối với các cá nhân tập thể liên quan.

ĐĂNG KHOA